Ngày 23-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cho biết phương án thiết kế dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục hiện có ba đơn vị tư vấn gồm Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty CP FECON và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải. Một số phương án được các đơn vị tư vấn đề xuất triển khai như: Phương án hầm khoan TBM và phương án hầm dìm; phương án đầu tư xây dựng cầu. “Hiện tỉnh đã đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các phương án khả thi nhất” - ông Khánh cho hay.
Phối cảnh đường hầm qua vịnh Cửa Lục. Ảnh: QTV
Dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục là công trình cấp đặc biệt, tổng vốn đầu tư 7.875 tỉ đồng. Dự kiến dự án có tổng chiều dài 2.140 m, trong đó đường hầm dài 1.310 m (hầm kín dài 970 m, hầm hở dài 340 m). Dự án nằm tại vị trí nối hai đường Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) và Lê Thánh Tông (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) gồm sáu làn xe. Dự án thực hiện nhằm tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn; thông xe cả bốn mùa, nhất là mùa mưa bão; tăng kết nối giữa hai khu vực của TP Hạ Long, giảm tải giao thông cho cầu Bãi Cháy. Chủ trương này đã được Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thống nhất và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh bước lập báo cáo tiền khả thi dự án; các chuyên gia của đơn vị tư vấn phải là người có kinh nghiệm trong thiết kế, thực hiện công trình hầm trong và ngoài nước. Tại cuộc họp, một số chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ thi công cầu, hầm đã phân tích tính hiệu quả, kinh nghiệm tổ chức thi công cầu và hầm quốc tế. Phương án hầm dìm được các chuyên gia đánh giá cao, đặc biệt phần hầm dìm dưới nước dài 600 m, công tác thi công thuận lợi, chống thấm tốt, mặt bằng nhỏ, không tác động đến việc khai thác của cảng Cái Lân, kết nối giao thông tốt, hiệu quả kinh tế...