Đến nay, việc ly hôn với người tâm thần đang bế tắc. Ngành tòa án không thụ lý với lý do không xác định được người đại diện tham gia tố tụng của người bệnh. Nhiều ý kiến đề nghị trong khi chờ bổ sung luật, TAND Tối cao nên sớm có hướng dẫn để tháo gỡ.
Năm 1999, chị Nguyễn Thị Hồng về làm dâu tại thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Sau hàng chục lần bị người chồng nổi cơn điên đánh đập thừa sống thiếu chết, đến năm 2006, chị ôm con bỏ về quê ở xã Khánh Hưng cùng huyện và sống với mẹ ruột cho đến nay.
Chồng tâm thần, khỏi ly hôn
Đầu năm 2012, chị Hồng đã nộp đơn xin ly hôn ra TAND huyện Trần Văn Thời. Theo nội dung đơn xin ly hôn của chị, suốt bảy năm qua, dù khá giả nhưng phía nhà chồng chị gần như không quan tâm gì đến mẹ con chị, chỉ thỉnh thoảng người cha chồng có ghé qua thăm cháu nội, cho vài trăm ngàn đồng. Trong khi đó, bên nhà chị có cuộc sống rất khó khăn, cha mẹ bệnh nặng, mất khả năng lao động, cả nhà không có việc làm ổn định, không đất đai...
Nhận thấy tình cảm và quan hệ hôn nhân hầu như đã chấm dứt trên thực tế, chị Hồng yêu cầu được ly hôn và đòi phía nhà chồng trả lại số nữ trang đã mượn, đồng thời chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho con chị theo luật định... Ngày 9-5 vừa qua, chị Hồng nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chồng chị bị tâm thần.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thanh Tùng, Chánh án TAND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hoàn cảnh của chị Hồng thật đáng thương và bế tắc. Phía gia đình chồng của chị Hồng là một gia đình khá giả. Chúng tôi cũng rất muốn giúp chị nhưng chồng chị đang bị tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự, đang được gia đình đưa đi điều trị. Vì vậy, chúng tôi phải đình chỉ giải quyết vụ án và động viên chị Hồng cố gắng chờ đợi, khi nào chồng chị hết bệnh thì chúng tôi sẽ thụ lý”...
Chị Hồng không thể được giải thoát khỏi mối quan hệ hôn nhân vốn đã chết từ lâu vì chồng bị tâm thần. Ảnh: TRẦN VŨ
Không xác định được người đại diện
Trong thực tiễn xét xử án hôn nhân-gia đình, không riêng gì trường hợp của chị Hồng mà còn rất nhiều vụ ly hôn khác với người tâm thần cũng không được ngành tòa án thụ lý. Lý do là theo quy định hiện hành vẫn chưa rõ ai sẽ là người đại diện theo pháp luật cho người bệnh tâm thần trong một vụ ly hôn.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 62 BLDS, trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ đương nhiên và ngược lại. Tuy nhiên, trong án ly hôn, do quyền lợi của vợ và chồng đối lập nhau nên người này không thể làm người giám hộ cho người kia và ngược lại. Đây là trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật trong một vụ án (khoản 1 Điều 75 BLTTDS).
Cạnh đó, cơ quan chức năng không thể xác định cha, mẹ là người giám hộ cho người bệnh với lý do vợ (hoặc chồng) của người bệnh không đủ điều kiện làm người giám hộ (khoản 3 Điều 62 BLDS). Tại một hội thảo, Tòa Dân sự TAND Tối cao lý giải: Vợ (hoặc chồng) của người bệnh chỉ mất quyền giám hộ khi bản thân họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác (chưa được xóa án tích) hoặc có bản án xác định họ mất năng lực hành vi dân sự (Điều 60 BLDS).
Ngoài ra, UBND không thể đứng ra cử người giám hộ cho người bệnh để tham gia án ly hôn bởi theo Điều 63 BLDS, UBND chỉ được làm việc này khi người bệnh tâm thần không có người giám hộ đương nhiên. Mặt khác, nếu có thụ lý thì tòa cũng không thể chỉ định người giám hộ cho người bệnh. Bởi lẽ tòa chỉ được chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chứ không phải người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 76 BLTTDS).
Thực tiễn đòi hỏi, tháo gỡ sao?
Trong thực tiễn, không ít vụ xin ly hôn với người tâm thần chính đáng như trường hợp của chị Hồng bị rơi vào bế tắc vì quy định không rõ. Chẳng lẽ nếu chồng chị Hồng không khỏi bệnh thì cả cuộc đời chị sẽ bị giam hãm trong mối quan hệ hôn nhân vốn đã chết từ lâu này?
Trước mắt, trong khi chờ pháp luật có quy định điều chỉnh, luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng các tòa có thể vận dụng Điều 70 BLDS để thay đổi người giám hộ. Tuy nhiên, nhiều khả năng vợ hoặc chồng của người bệnh sẽ không đồng ý thay đổi người giám hộ vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Để tháo gỡ, TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn theo hướng tòa có thể chọn cá nhân hoặc tổ chức đủ điều kiện tạm thời đại diện tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bệnh trong quá trình tố tụng.
Luật sư Nguyễn Minh Lệ (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) thì đề xuất TAND Tối cao hướng dẫn theo hướng buộc người xin ly hôn phải chứng minh người bạn đời của mình mất năng lực hành vi dân sự và ấn định một thời hạn chữa trị bệnh tích cực. Nếu hết thời hạn này mà người bệnh không có chuyển biến thì tòa chỉ định người đại diện theo pháp luật và cho ly hôn. Đây cũng là cách giải quyết ở một số nước có nền tố tụng tiến bộ.
Ai đại diện thì hợp lý? Về lâu dài, pháp luật nên quy định người đại diện người bệnh tham gia tố tụng trong án ly hôn là người giám sát việc giám hộ. Theo Điều 59 BLDS, đây là người được những người thân thích của người bệnh cử ra nhằm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ… Người giám sát người giám hộ hoàn toàn có đủ tư cách để đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người bệnh. ThS ĐẶNG THANH HOA, giảng viên ĐH Luật TP.HCM - Năm 2011, TAND TP.HCM đã trả lại đơn xin ly hôn với người chồng mắc bệnh tâm thần của chị NTV. Theo đơn kiện của chị V., vợ chồng chị kết hôn từ năm 2005. Ba năm sau, chồng chị bị tai nạn giao thông nên mất ý thức, phải nhập viện điều trị tâm thần dài hạn. Hiện đời sống hôn nhân của chị là không thể duy trì nên chị muốn được ly hôn để ổn định cuộc sống... - Năm 2010, TAND một quận tại TP.HCM đã trả đơn trong một vụ xin ly hôn khá lạ: Theo hồ sơ, vợ chồng chị G. lấy nhau được hơn 10 năm, có hai con chung. Trước thì người chồng bình thường nhưng sau mấy năm đi làm xa về, anh đổ bệnh, suốt ngày lảm nhảm. Bác sĩ kết luận anh bị tâm thần nặng. Gia đình đưa anh đi chữa mãi nhưng không khỏi mà còn có phần nặng thêm. Thương chị G. còn trẻ, gia đình chồng đã vận động chị ly hôn để tìm hạnh phúc mới. Chị G. không chịu. Thấy con dâu khổ, không đành lòng, cha mẹ chồng chị đã làm đơn xin ly hôn giùm con trai... - Năm 2010, ông P. ngụ quận Gò Vấp (TP.HCM) yêu cầu tòa tuyên bố vợ ông mất năng lực hành vi dân sự để ly hôn nhưng không được. Vợ chồng ông kết hôn năm 1987, có một con gái nhưng vợ ông có biểu hiện tâm thần, thường bỏ nhà đi, nói lảm nhảm, phá phách, chửi bới... 12 năm trước ông xin ly hôn nhưng tòa bác vì tại tòa người vợ nói mình hoàn toàn bình thường. Giờ ông yêu cầu tòa tuyên bố vợ ông mất năng lực hành vi dân sự để ly hôn. Tòa năm lần bảy lượt mời đến giải quyết, vợ ông đều bất hợp tác. Khổ nỗi luật không cho phép tòa được cưỡng chế với vợ ông nên vụ án đành phải treo. |
TRẦN VŨ - HỒNG TÚ