Chống gian lận thi cử: Phụ thuộc con người!

Sáng 17-5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin với báo chí khu phực phía Nam về GD&ĐT tại Bình Thuận.

Kỹ thuật cần thiết nhưng mang tính hỗ trợ

Ông Mai Văn Trinh cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm này, Bộ GD&ĐT đã tăng cường rất nhiều biện pháp để chống gian lận trong thi cử. Điều đó được thể hiện từ việc sử dụng các công nghệ cao trong việc giám sát khâu coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi đến công tác chọn lựa cán bộ. Những điều này được thực hiện kỹ càng, quy trình chặt chẽ. Thế nhưng, kỹ thuật chỉ mang tính hỗ trợ và điều quan trọng nhất vẫn là con người.

Ông Mai Văn Trinh chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: NQ

Vì vậy, theo ông Trinh, việc lựa chọn cán bộ tham gia thi hết sức chú ý. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức tốt, am hiểu nhiệm vụ, rõ quy trình. Công tác tập huấn giáo viên, giảng viên các trường đại học cũng được Bộ đầu tư.

Cục trưởng cục quản lý chất lượng cũng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thi ở các tỉnh thành cũng đang được triển khai một cách nghiêm túc, Bộ cũng đã xác định rõ cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các địa phương với trường đại học. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có những phương án dự phòng sẵn sự cố, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc để đảm bảo không có thí sinh nào không được dự thi tốt nghiệp THPT.

Nói về đề thi trong năm nay, ông Trinh cho biết để chuẩn bị cho đề thi năm nay, chúng tôi đã xây dựng ma trận đề thi. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo độ khó tăng dần.

Liên quan đến tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm nay, ông Trinh cho hay mấy năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ-ĐH khá ổn định, khoảng 74%. “Theo quan điểm của tôi, đây là một xu hướng tích cực. Sau khi tốt nghiệp THPT, có nhiều hướng để học sinh chọn lựa, trong đó có hệ thống các trường nghề. Hiện tại, hệ thống trường nghề tại Việt Nam cũng đang phát triển. Con số này đã cho thấy được hiệu quả của công tác hướng nghiệp mà lâu nay Bộ GD&ĐT kiên trì triển khai tại các trường, nhu cầu thực tiễn của xã hội”, ông Trinh nói.

Rà soát nhu cầu nhân lực để đưa ra chỉ tiêu đào tạo sư phạm

Tại buổi gặp gỡ báo chí, liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019, ông Phạm Như Nghệ, Vụ Phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay tổng chỉ tiêu đào tạo các trường vào sư phạm là 46.000, so với năm 2018 là tăng 10.000. Tổng chỉ tiêu được đưa ra dựa trên nhu cầu nhân sự từ các địa phương. “Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành rà soát nhu cầu về giáo viên cụ thể ở từng ngành học, từng trình độ, có báo cáo cụ thể. Và đây là căn cứ quan trọng để Bộ đưa ra chỉ tiêu”, ông Nghệ nói.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về một số trường đại học không công khai đầy đủ các thông tin tuyển sinh của trường vẫn được đăng trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, ông Nghệ cho biết về vấn đề này Bộ đã ban hành thông tư về các trường. Tại đây, các trường sẽ phải thông tin khai báo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tỷ lệ sinh viên có việc làm. Và Bộ cũng đã có khâu kiểm tra chặt chẽ về các đề án trước khi đăng trên cổng thông tin, tuy nhiên thí sinh muốn xem chi tiết đầy đủ thì phải vào cổng thông tin của từng trường.

Theo ông Nghệ, về vấn đề hậu kiểm tuyển sinh các trường, Bộ GD&ĐT lại giao cho Cục quản lý chất lượng chủ trì. “Thực tế, cả nước có gần 400 cơ sở xét tuyển ĐH-CĐ, nhưng do không có đủ nguồn lực nên Bộ GD&ĐT chỉ có thể kiểm tra khoảng 20 cơ sở giáo dục mỗi năm, và đi trường nào Bộ cũng có sự tính toán”, ông Nghệ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Trinh bổ sung thêm: “Qua việc đi kiểm tra về các cơ sở vật chất, nhân lực, một số trường đã phải điều chỉnh chỉ tiêu để phù hợp với nguồn lực. Và hơn nữa, chúng tôi cũng có một phần mềm liên quan đến vấn đề này. Nếu trường nào, qua rà soát phát hiện chỉ tiêu tăng đột biến, chúng tôi sẽ xem xét kiểm tra kỹ”, ông Trinh nói.

 

Gian lận thi cử, trước sau như một, Bộ và các bộ ngành liên quan có quan điểm không dung túng sai phạm dù nhỏ nhất, trong đó có việc gian lận bằng công nghệ cao. Hiện nay, trên thị trường các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao nhiều, và được rao bán khắp nơi.

Biết rõ điều đó, ngay từ đầu, chúng tôi đã làm một số công việc như tập huấn thi với sự tham gia của PA03, đại diện bên an ninh mạng, kỹ thuật công nghệ cao của Bộ công an để hướng dẫn cách phát hiện. Bên cạnh đó, vai trò của cán bộ coi thi, sự nhận thức của thí sinh và công tác giám sát thanh tra, xử lý vi phạm một cách nghiêm minh sẽ hạn chế tình trạng gian lận công nghệ cao xảy ra. Ông Mai Văn Trinh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm