Chóng mặt với chi phí thông quan nông sản sang Trung Quốc

(PLO)- Trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí logistics tăng cao lại thêm chi phí thông quan tăng đột biến đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc kêu trời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu năm nay, hàng ngàn xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) bị tắc tại cửa khẩu vì nước này siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19. Khi đó, nhiều xe mít, thanh long, dưa hấu… chờ không nổi phải quay về bán trong nước với giá rẻ.

Đến nay tình hình thông quan đã dễ thở hơn, thế nhưng doanh nghiệp lại đối mặt với khó khăn mới khi chi phí để xuất khẩu được một container hàng đã tăng lên nhiều lần.

Cảnh xe chở hàng xuất sang Trung Quốc xếp hàng dài đợi tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh chụp ngày 16-3.) Ảnh: NGHĨA NHÂN

Cảnh xe chở hàng xuất sang Trung Quốc xếp hàng dài đợi tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh chụp ngày 16-3.) Ảnh: NGHĨA NHÂN

Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” khiến dừa xuất khẩu gặp khó khăn. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” khiến dừa xuất khẩu gặp khó khăn.
Ảnh: ĐÔNG HÀ

Từ 2 triệu tăng lên 30 triệu đồng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết: Hiện nay tiến độ thông quan đã nhanh hơn nhưng kèm theo đó chi phí lại tăng cao hơn. Bình thường chỉ hết khoảng 2-3 triệu đồng thì giờ lên hơn chục triệu đồng. Chi phí tăng quá cao đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Trong một diễn đàn về xuất khẩu trái cây tươi sang TQ vừa diễn ra, ông Trần Kim Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thu mua thanh long Khánh Trâm (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cũng bức xúc về vấn đề này. Theo ông Phúc, hiện chi phí vận chuyển và các chi phí thông quan quá đắt, 26-30 triệu đồng/chuyến xe, trong khi trước đây chỉ mất 1,6-2,2 triệu đồng.

“Nếu cộng cả chi phí thuê tài xế, tiền xăng dầu, phí cầu đường… thì chủ xe không còn gì nữa. Mong các cơ quan chức năng rà soát, có giải pháp để chi phí thông quan hàng hóa phù hợp hơn” - ông Phúc kiến nghị.

Hiện nay tiến độ thông quan tại cửa khẩu đã nhanh hơn nhưng chi phí lại tăng cao.

Cùng với chi phí tăng cao thì các doanh nghiệp cũng phản ánh vấn đề giao nhận hàng hóa từ container xuống còn nhiều bất cập, dẫn đến trái cây bị va chạm, hư hại rất nhiều. Đáng chú ý, tình trạng này không phải mới diễn ra mà đã được các doanh nghiệp nhiều lần phản ánh, đặc biệt là từ thời điểm các cửa khẩu áp dụng phương thức giao nhận hàng mới là cắt đầu container.

Nghĩa là xe container chở hàng của doanh nghiệp từ các địa phương khi đến cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) phải thực hiện cắt container, rồi thuê đầu kéo của một công ty quản lý đầu kéo ở cửa khẩu kéo sang địa điểm chỉ định phía TQ. Sau đó phía TQ lại tiếp tục cắt rơmoóc, trả đầu kéo của doanh nghiệp Việt để dùng đầu kéo của họ kéo hàng về.

Đó là tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, với các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai, ông Hà Đức Thuận, Phó Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai, cho biết đến hiện tại vẫn chưa nhận được phản ánh nào của doanh nghiệp phàn nàn về chi phí thông quan tăng cao. “Ở Lào Cai hiện vẫn áp dụng phương án đổi tài xế, còn phương án cắt container chưa áp dụng vì chi phí cao và mặt bằng ở cửa khẩu Lào Cai không thuận tiện cho phương án này” - ông Thuận cho biết.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng sáu đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường TQ đạt 799,7 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ.

Tìm cách hạ chi phí

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết hiện nay TQ vẫn đang theo đuổi chính sách “zero COVID”. Họ thường xuyên thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa dẫn đến chi phí thông quan tăng trong thời gian qua.

Ông Duy khẳng định tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm và chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ khoản thu phí bên phía Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy hầu như các chi phí bên phía Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định, không tăng, bao gồm chi phí thuê tài xế chuyên trách, chi phí thuê đầu kéo, chi phí hạ tầng, bến bãi cùng các chi phí khác.

“Toàn bộ chi phí này đều theo quy định, Sở Tài chính cũng đã thẩm định giá, niêm yết công khai và khi thu các khoản chi phí này thì đều phát hành hóa đơn cho tất cả doanh nghiệp” - ông Duy nói.

Tuy nhiên, mức thu phí bên phía TQ tăng rất cao, như chi phí bến bãi, chi phí bốc xếp, vận chuyển, chạy lạnh, qua đêm… Để giải quyết vấn đề này, ông Duy cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đã trao đổi, đàm phán với phía TQ. Mới đây nhất, tỉnh Lạng Sơn có công hàm gửi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh và chính quyền, nhân dân khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, TQ), thị Bằng Tường rà soát các khoản chi phí để có thể tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Thị Bằng Tường đã có công văn trao đổi lại với chúng tôi rằng do phải phục vụ phòng chống dịch bệnh nên tất cả chi phí này thị Bằng Tường thu theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, xét thấy trong điều kiện hiện nay bà con nông dân rất vất vả trong khi chi phí lại tăng như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và trao đổi với phía TQ rà soát các khoản chi phí để tiết giảm cho doanh nghiệp” - ông Duy cho hay.

Liên quan đến những bất cập trong việc không thể dùng xe đầu kéo chở hàng đường dài của doanh nghiệp Việt Nam mà phải đổi sang xe đầu kéo của một công ty khác, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho hay đã trao đổi vấn đề này với phía TQ. Tuy nhiên, phía TQ nhất quyết yêu cầu phải là xe đầu kéo cố định, với một chuẩn đấu nối và bên họ chuẩn bị một đội tương ứng như bên mình để thực hiện giao nhận hàng.•

Phương thức giao nhận hàng mới đạt hiệu quả

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã tăng cường trao đổi và thống nhất phương án giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma theo hướng sử dụng mô hình ghép nối container, đảm bảo nhân viên hai nước không tiếp xúc trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh Lạng Sơn cũng là tỉnh đầu tiên triển khai phương thức giao nhận hàng hóa này.

Phương án này đến nay đã thể hiện được hiệu quả. Số xe thông quan tăng mạnh, trung bình từ đầu tháng 7 đến nay đã tăng 15,8% so với tháng 6, đạt 730 xe/ngày, trong đó xuất khẩu trên 300 xe, nhập khẩu trên 400 xe, tăng trên 700% so với thời điểm trước khi thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa mới. Hiện cơ bản xe chở hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều được giải phóng hết hàng trong ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm