Sáng 24-7, tại hội thảo ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp, tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh lạm phát cũng là cơ hội để đẩy mạnh cải cách. Doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn khi đối phó với lạm phát nhưng đây chưa phải là thời điểm khó khăn nhất. Theo ông Thiên, có thể vài tháng nữa đến hạn trả nợ ngân hàng, doanh nghiệp chưa xoay được vốn thì lúc đó doanh nghiệp mới thực sự khó khăn. Chính lúc này, để tồn tại thì các doanh nghiệp phải tái cơ cấu, sàng lọc lại chính mình.
Cố gắng chèo chống
Theo ông Nguyễn Quang Thuật - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco, các doanh nghiệp đang khó khăn trước việc giá cả tăng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng đối với doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng mạnh nhất của lạm phát là giá nguyên liệu đầu vào tăng ngoài dự đoán. Có những loại tăng đến 50%-60%, thậm chí là tăng 300% nên càng sản xuất thì càng lỗ, khi vừa bán xong sản phẩm để mua nguyên liệu thì phải nhập với giá cao gấp đôi giá cũ. Ông Thuật than thở, trong lúc này đành phải lấy ngắn nuôi dài bởi doanh nghiệp nhỏ thì không thể áp đặt giá cả lên thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn trong việc thu hút cũng như giữ chân lao động chất lượng cao. Khi kinh doanh gặp khó khăn thì cũng không thể trả mức lương tốt nhất cho người lao động. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng lại thiếu người thực hiện.
Hơn nữa, chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm nhập siêu cũng ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động đều phải dựa vào vốn vay của ngân hàng thương mại. Thế nhưng đến nay, khó khăn chồng chất là do ngân hàng đột ngột ngưng cấp vốn với rất nhiều lý do chứ không chỉ vì lãi suất cao. Thực tế có không ít doanh nghiệp lực bất tòng tâm, muốn phát triển sản xuất nhưng thiếu vốn, kể cả xoay sở sang nghề khác thì cũng chật vật.
Thời cơ sàng lọc nhân lực
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Công ty Luật Basico, một trong những việc đầu tiên mà các doanh nghiệp lựa chọn là thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Thắt chặt chi tiêu thật sự không cần thiết. Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh đến việc không nên cắt giảm lương của những vị trí quản lý và nhân viên lao động chính. Doanh nghiệp khó khăn thì người lao động cũng khó khăn. Do vậy, chính lúc này cũng cần chấp nhận những khoản chi phí đào tạo để nâng cao kiến thức, tay nghề cho người lao động với mục tiêu là giữ người vì đây chính là một tài sản vô giá của doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của luật sư Đức, ông Nguyễn Thanh Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để lãnh đạo công ty củng cố hệ thống quản lý, tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng thông qua việc phân loại, tuyển dụng và đào tạo cán bộ.
Tuy nhiên, luật sư Đức lại cho rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc tinh giản nhân công cũng là điều cần thiết. Trước mắt doanh nghiệp cũng nên xem xét giải pháp thuê nguồn lực chất lượng cao ở bên ngoài để tăng giá trị cho doanh nghiệp mà không tốn chi phí quản lý. Còn về lâu dài thì vẫn cần thiết phải củng cố, rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đồng thời xây dựng văn hóa tiết kiệm từ điện, nước, văn phòng phẩm... để giảm chi tối đa cho doanh nghiệp.
TÂM UYÊN