Chủ đầu tư nói gì về việc xâm phạm rừng phòng hộ ngoài dự án ở Bình Định?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định xác nhận đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Phù Mỹ, các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo đề xuất xử lý đối với việc thi công dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ phá trắng hơn 5 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã Mỹ An.

Hàng ngàn cây phi lao bị triệt hạ. Ảnh: NO

Trước đó, nhiều người dân xã Mỹ An phản ánh trong quá trình thi công dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng Lượng Sạch đã cho triệt hạ, tàn phá hàng ngàn cây phi lao rừng phòng hộ ven biển nằm bên ngoài khu vực cắm mốc dự án.

Theo người dân địa phương, rừng bị tàn phá, xóa trắng là rừng phi lao nhiều năm tuổi, có chức năng chắn cát, chắn gió biển, chống sa mạc hóa các khu dân cư ven biển, đồng thời giữ mạch nước ngầm ở khu vực này.

Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định có 5,26 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển bị phá trắng. Diện tích rừng bị phá này do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý và nằm ngoài diện tích được giao triển khai để thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ.

Diện tích rừng bị phá trắng nằm ngoài dự án. Ảnh: NO

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm ba nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380 ha nằm tại hai xã Mỹ Thắng và Mỹ An của huyện Phù Mỹ. Tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỉ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (ở huyện Phù Mỹ) làm chủ đầu tư. Cuối năm 2020, giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành và hiện đang triển khai thi công giai đoạn 2.

Lãnh đạo Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận việc thi công dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được nhà nước giao đất. Chủ đầu tư dự án cho rằng do nhà thầu “nhầm lẫn” diện tích đất dẫn đến chặt phá cây, san ủi ra bên ngoài phần đất của dự án.

Hơn 5 ha rừng phòng hộ ven biển bị phá trắng để làm nhà máy điện mặt trời. Ảnh: NO

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công gói thầu xảy ra vi phạm trên là Công ty TNHH Phước Hưng. Chủ đầu tư đã buộc dừng công việc đối với nhà thầu này, chờ xử lý của UBND tỉnh Bình Định.

Chủ đầu tư cũng đề nghị được trả lại hơn 11 ha đất rừng chưa thi công để hoán đổi diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá trên. Tuy nhiên, người dân xã Mỹ An không chấp nhận việc hoán đổi này do diện tích chưa thi công được chính quyền cấp chồng lên đất nghĩa địa, người dân phản đối lâu nay.

Rừng nằm ngoài dự án bị tàn phá. Ảnh: NO

Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ, việc để mất rừng thuộc trách nhiệm chính của chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ. Trước mắt, UBND huyện đã yêu cầu chủ rừng khẩn trương báo cáo, kiểm điểm về việc để mất diện tích rừng trên. Sau đó, huyện sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các bên liên quan.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo vụ việc để đề xuất UBND tỉnh Bình Định xử lý. 

Điều tra vụ mất hơn 5 ha rừng tự nhiên

Ngày 13-9, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định) cho hay đơn vị này đang phối hợp với Công an huyện điều tra vụ phá hơn 5 ha rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, vụ phá rừng trên được lực lượng kiểm lâm phát hiện khi đi kiểm tra rừng mới đây, có thể bị phá hồi cuối tháng 8-2020. Diện tích rừng bị phá trên do UBND xã Tây Thuận quản lý.

Kết quả kiểm tra ban đầu xác định trong diện tích rừng bị phá có gần 50.000 m2 rừng ở trạng thái thường xanh nghèo, còn lại là trạng thái rừng tái sinh. Nhiều khả năng người dân phá rừng lấy đất trồng keo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm