Hiện có nhiều khu đô thị, chủ đầu tư (CĐT) đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng khi muốn đầu tư xây dựng trường học hay công viên... trong dự án của chính mình lại phải chờ đấu thầu.
Muốn xây công viên, chủ đầu tư phải chờ
Nhiều CĐT đau đầu nhiều năm nay vì quy định tại Nghị định 11/2013 của Chính phủ về quản lý, phát triển đô thị thì CĐT khi có nhu cầu không được tự đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí, công viên chuyên đề. Lý do đây được xác định là đất công, theo quy trình muốn đầu tư xây dựng phải thông qua đấu thầu.
Chủ đầu tư khu đô thị tại TP Thủ Đức muốn xây công viên phải thông qua đấu thầu. |
Bà Trịnh Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Van Phuc Group), cho biết dự án Vạn Phúc City có diện tích gần 200 ha. Tập đoàn phải mất gần 20 năm chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan theo quy định.
Không chỉ dự án, riêng hạng mục công viên nước phục vụ dân cư, tập đoàn đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Hạng mục này đã được UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Thế nhưng diện tích công viên chuyên đề rộng 6,4 ha tại khu đô thị dù tập đoàn rất muốn đầu tư nhưng vẫn phải chờ thủ tục đấu thầu.
Theo bà Xuyến, các hạng mục tiện ích trong các dự án do CĐT tư nhân phát triển thì lẽ ra CĐT phải được ưu tiên triển khai nhưng đến nay CĐT vẫn đang phải chờ.
Vướng mắc này của CĐT Van Phuc Group cũng như nhiều CĐT khác tưởng như được tháo gỡ khi Văn phòng UBND TP có Văn bản 855/2020 thông báo kết luận và chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư trên địa bàn TP.
Theo văn bản này, với nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao…), Nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó có giải pháp cho thuê, khuyến khích cho CĐT dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết khi mang văn bản này tới làm việc với các sở, ngành thì vẫn chưa giải quyết được vì từ ngữ chung chung là “khuyến khích”.
Khu vực đất công viên cây xanh (được đánh dấu) đang chờ đấu thầu, tìm nhà đầu tư. Ảnh: Q.HUY |
“Doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, UBND TP.HCM xem xét, cho phép các CĐT thực hiện đầu tư xây dựng các công trình công viên, y tế, giáo dục trong phạm vi dự án nếu có nhu cầu” - bà Xuyến đề xuất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thông tin không chỉ CĐT Van Phuc Group gặp vướng mắc này mà rất nhiều CĐT dự án bất động sản khác muốn xây trường học, công viên trong khu đô thị của mình cũng đang phải đợi đấu thầu.
Theo ông Châu, các CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng nhằm tạo lập quỹ đất dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở. Sau đó, CĐT phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước với giá trị rất lớn (thường khoảng 70%-80% chi phí giải phóng mặt bằng).
Tiếp theo, CĐT phải tiếp tục bỏ chi phí đầu tư xây dựng san lấp mặt bằng, thi công các công trình kết cấu hạ tầng của dự án (như đường giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sạch, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, Internet, công viên cây xanh, kết nối hạ tầng đất y tế, giáo dục, vui chơi giải trí); chi phí vốn; chi phí quản lý...
Thế nhưng CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu lại không được đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ của dự án như đất y tế, đất giáo dục, đất công viên giải trí, công viên chuyên đề. Ông Châu cho rằng việc này là không hợp lý, không đảm bảo được quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, xét về nguồn gốc tạo lập quỹ đất và kết cấu hạ tầng xã hội thì có thể thấy rõ công sức đầu tư xây dựng của CĐT dự án là rất lớn, cần được ưu tiên.
Cần địa phương tạo điều kiện
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị bổ sung quy định mới, tạo điều kiện cho phép CĐT dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu thì được đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án.
Đồng thời, bổ sung danh mục dự án sản xuất, kinh doanh mới có tính chất thử nghiệm trong không gian và thời gian có giới hạn vào khoản đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU,Chủ tịch HoREA
Các chuyên gia cho rằng việc CĐT khu đô thị muốn đầu tư xây dựng công viên, trường học… trong dự án là điều đáng mừng, cần khuyến khích. Lý do là những năm trước đây, các CĐT dự án khu đô thị thường đẩy hạng mục công trình hạ tầng xã hội của dự án cho địa phương để “rảnh nợ”.
Những năm gần đây, nhiều CĐT lại có nhu cầu đầu tư, kinh doanh đất y tế, đất giáo dục, đất công viên trong phạm vi dự án. Các chuyên gia đánh giá đây là nhu cầu hợp pháp, chính đáng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình dịch vụ và tiện ích đô thị phục vụ lợi ích công cộng.
Như vậy, Nhà nước không phải bỏ ngân sách để đầu tư, vừa đảm bảo có các dịch vụ, tiện ích đô thị phục vụ cư dân trong dự án và cả khu vực lân cận, khách vãng lai theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng công trình công viên, trường học, bệnh viện chậm triển khai thì người dân bị ảnh hưởng quyền lợi, ngân sách địa phương chịu thiệt. Vì thế, trường hợp này rất cần vai trò của lãnh đạo các địa phương đốc thúc, tạo mọi điều kiện để triển khai nhanh thủ tục đấu thầu các công trình trên đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án.
“Khi CĐT thấy có đủ năng lực đầu tư xây dựng các công trình công viên, trường học thì đăng ký với Sở KH&ĐT địa phương đó. Trách nhiệm của sở này là làm đúng quy trình tổ chức đấu thầu trong thời gian sớm nhất để các CĐT có thể tham gia. Nếu chậm đấu thầu thì cần có quy định xử lý trách nhiệm cơ quan này” - LS Phượng góp ý.
Một số ý kiến khác cho rằng trường hợp các dự án công trình công cộng này được phê duyệt quy hoạch chi tiết rồi thì địa phương nên ưu tiên CĐT khu đô thị đó thực hiện. Nếu bàn giao các khu đất này cho địa phương thì không biết đến bao giờ mới bố trí được vốn ngân sách nhà nước để đầu tư công trình phúc lợi công cộng.
Công viên, trường học cần triển khai đồng bộ với tiến độ
khu đô thị
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng rất khó cho địa phương nếu ưu tiên CĐT khu đô thị đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí.
Để tháo gỡ vướng mắc này và đảm bảo quyền lợi cho CĐT khu đô thị, để người dân được hưởng lợi thì giải pháp tối ưu nhất vẫn là đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thủ tục đấu thầu những khu đất dịch vụ này phải triển khai song song, đồng bộ với tiến độ dự án. Làm sao khi khu đô thị, khu nhà ở hình thành, bàn giao cho cư dân vào ở thì các công trình như công viên, trường học, bệnh viện… cũng kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng.
Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, bởi đây cũng là xu hướng chung, phù hợp với chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số hiện nay.