Ai hưởng lợi từ việc công bố dữ liệu bất động sản?

(PLO)- Nghị định 44/2022 thể hiện tín hiệu tích cực nhằm minh bạch hóa thị trường vốn còn nhiều bất ổn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Nghị định (NĐ) 44/2022 có hiệu lực từ ngày 15-8 quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin phải nộp kinh phí khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để có được thông tin chính xác về thị trường BĐS. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Nhà đầu tư, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để có được thông tin chính xác về thị trường BĐS. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Khách hàng trao đổi thông tin về sản phẩm BĐS chuẩn bị đầu tư. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Khách hàng trao đổi thông tin về sản phẩm BĐS chuẩn bị đầu tư. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Sẵn sàng trả phí để có thông tin

Cụ thể, theo NĐ 44, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS sẽ phải gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu trực tiếp theo hình thức văn bản cho bên cung cấp (gửi qua đường công văn, fax, bưu điện) hoặc đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của bên cung cấp.

“Tôi mới biết thông tin này, đây là điều khá mới lạ. Tuy nhiên, theo tôi, cần có thời gian xem việc thực thi như thế nào, tính phí ra sao cho thông tin…?” - anh Vũ Nguyễn, một nhà đầu tư BĐS từ tỉnh Lâm Đồng, cho hay.

Theo anh Vũ Nguyễn, thông tin BĐS là cực kỳ cần thiết cho nhà đầu tư nói riêng và mọi người dân nói chung. Lâu nay, các thông tin như quy hoạch, pháp lý dự án… đều khá mù mờ với người dân. “Nếu trả phí để có được thông tin hữu ích thì tôi sẵn sàng trả” - anh Vũ Nguyễn khẳng định.

Việc thu phí để có thông tin sẽ dễ dàng được chấp nhận, bởi giá trị BĐS lớn và tôi tin rằng mọi người sẽ đồng ý trả phí cho các thông tin có giá trị.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho rằng giá trị BĐS được tạo ra từ giá trị sử dụng của BĐS.

“Giá trị sử dụng này gia tăng mỗi khi có sự thay đổi, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mật độ dân số hay đơn giản nhất là thay đổi mục đích sử dụng đất... Vì vậy, cần công bố cho người dân mọi thông tin cần thiết có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất hiện tại và trong tương lai, giúp người dân an tâm mua bán” - ông Việt nói.

Theo ông Việt, một phần bất cập hiện tại đến từ việc công bố thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, người dân chưa biết tiếp cận thông tin này từ đâu, ngoại trừ một nhóm nhỏ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, nhiều vụ lừa đảo vẫn diễn ra và Nhà nước mất rất nhiều thời gian, chi phí để phát hiện, xử lý.

“Việc thu phí để có thông tin sẽ dễ dàng được chấp nhận, bởi giá trị BĐS lớn và tôi tin rằng mọi người sẽ đồng ý trả phí cho các thông tin có giá trị, giúp mình tránh mọi rủi ro trong giao dịch BĐS cũng như tìm thấy các BĐS phù hợp với nhu cầu, tài chính của mình” - ông Việt đánh giá.

NĐ 44 quy định các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS gồm:

- Qua cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn; cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng;

- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;

- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường với bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường theo quy định.

Cộng đồng doanh nghiệp BĐS rất hoan nghênh “Hội nghị về phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tổ chức vào ngày 14-7. Có thể nói đây là lần đầu tiên thị trường BĐS được Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu phát triển “an toàn, lành mạnh, bền vững” với tầm nhìn thị trường BĐS là “hệ sinh thái BĐS” có mối liên hệ hữu cơ với các loại thị trường khác.

Để thị trường phát triển đạt được mục tiêu “an toàn, lành mạnh, bền vững” thì Nhà nước cần phải kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất bao gồm các luật, văn bản dưới luật (có NĐ). Cùng đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Bốn vấn đề cần lưu ý khi triển khai

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Công ty Tư vấn NTD Law Việt Nam, giải thích: “Sau bảy năm có hiệu lực thì NĐ 117/2015 đã không còn phù hợp và cần được thay thế. NĐ 44/2022 đã xây dựng được hệ thống thông tin gồm cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng, sẽ thực hiện quản lý đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến các địa phương.

Các thông tin, số liệu, dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thị trường BĐS thường xuyên được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung, trên cơ sở đó, cơ quan quản lý chuyên môn đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đưa ra các nhận định, dự báo về thị trường. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường được tiếp cận thông tin phục vụ việc quản lý, hoạch định chính sách, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS một cách dễ dàng”.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng vấn đề liên quan đến nhân sự quản lý, vận hành hệ thống thông tin là một trong những vướng mắc khi thực hiện NĐ 117 từng được Bộ Xây dựng nhắc tới.

“Để khắc phục bất cập này, trong NĐ 44 kiến nghị nêu rõ hơn và chi tiết giải pháp khắc phục một phần vướng mắc, có thể theo hướng quy định cụ thể Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ được phân công thực hiện việc quản lý, vận hành hệ thống tại trung ương và địa phương theo định kỳ hằng năm” - ông Đạt góp ý.

Ngoài ra, giải pháp để NĐ này đi vào thực tế một cách nhanh nhất, hiệu quả, ông Đạt lưu ý bốn yếu tố. Thứ nhất, NĐ cần được xây dựng theo hướng công khai, minh bạch và rộng rãi, các thông tin về nhà ở và thị trường, chỉ tiêu thống kê về nhà ở theo hướng đơn giản, dễ dàng thu thập, đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Thứ hai, cần đẩy nhanh số hóa công tác hành chính tại các cơ quan nhà nước để những thủ tục trên người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, giảm bớt thủ tục hành chính, văn bản rườm rà không đáng có.

Thứ ba, cần thực hiện nghiêm công tác minh bạch thông tin, cập nhật thường xuyên thông tin và dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của cá nhân/tổ chức. Vấn đề này thật sự rất quan trọng và cấp thiết.

Thứ tư, tăng cường công tác phổ cập đến người dân, để khi người dân tham gia vào các quan hệ mua bán sẽ nắm rõ thông tin mình giao dịch, từ đó hạn chế tranh chấp, khiếu kiện không đáng có.•

Hai chỉ đạo để triển khai Nghị định 44

Để triển khai NĐ 44/2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, ngày 18-7, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung.

Thứ nhất, đối với UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền NĐ 44 cho các sở, ban ngành (Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Cục Thuế, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư dự án BĐS, các sàn giao dịch BĐS).

Thứ hai, thực hiện kiểm tra việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (máy chủ, máy trạm). Chỉ đạo cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS xây dựng thực hiện các giải pháp về an ninh, an toàn thông tin.

Trực tiếp hoặc giao tổ chức có đủ điều kiện năng lực đảm nhận thực hiện quản lý, vận hành các máy chủ, thiết bị tin học, mạng máy tính, bảo đảm sự vận hành của hệ thống.

Giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc lập kế hoạch thực hiện số hóa những dữ liệu chưa ở dạng số; có biện pháp quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu số về nhà ở và thị trường BĐS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm