Ngày 4-9, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm lần hai vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát (quận Thủ Đức).
Vụ án này từng được xử sơ thẩm và phúc thẩm nhưng do tòa phúc thẩm giảm án bất thường, vi phạm tố tụng (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh) nên cả hai bản án đều bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy để điều tra, xét xử lại.
Phủ nhận và đùn đẩy
Các bị cáo Phan Cao Trí (chủ Tân Hoàng Phát), Phan Thị Yến (vợ Trí), Phan Việt Hậu (em vợ Trí, giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát), Phan Quốc Cường (giám đốc chi nhánh Tân Hoàng Phát) bị xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, Trí, Hậu, Cường, Nguyễn Minh Phương (quản lý cơ sở massage thuộc Tân Hoàng Phát), Nguyễn Hoài Nhanh (phó quản lý) còn bị truy tố về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Cáo trạng lần này xác định các bị cáo đã bắt giữ trái pháp luật 73 nhân viên và cưỡng đoạt 184 triệu đồng của chín nữ tiếp viên nên đã truy tố các bị cáo ở khung hình phạt nặng hơn lần trước.
Tại tòa, các bị cáo đều đồng loạt phủ nhận hành vi bị truy tố. Cụ thể, Trí cho rằng mình không có vai trò chủ mưu, không cưỡng đoạt tài sản, không bắt giữ người trái pháp luật. Còn Yến nói rằng chỉ có nhiệm vụ giữ tiền chứ không hề chiếm đoạt tài sản của ai cả...
Các bị cáo tại tòa (bị cáo Phan Cao Trí bìa phải). Ảnh: HY
Trí trình bày cơ sở có chỗ ăn ở nên các nhân viên có thể ở tại nhà của Trí hoặc ra ngoài tùy ý. Trí chỉ ký hợp đồng lao động với các nhân viên, còn việc thêm nội quy phạt thì không chịu trách nhiệm. Trong 73 nhân viên mà cáo trạng khẳng định bị giam giữ trái phép, Trí chỉ thừa nhận trường hợp Trần Ngọc T. bị đánh đập, bị buộc phải nộp tiền mới được rời khỏi cơ sở. Trí nói hành vi này không đúng nhưng Trí không chỉ đạo mà do Nhanh và Phương gây ra. Với nạn nhân Linh Đ. bị đánh và bị nộp tiền phạt do hoạt động mại dâm trong cơ sở, Trí cho rằng đây là điều vi phạm nội quy của cơ sở nên mới bị bắt phạt và do Hậu làm chứ không phải mình chỉ đạo.
Bị cáo Hậu thì cho rằng cáo trạng truy tố mình bắt giữ 73 người là không đúng. Vì họ không có chỗ ở nên mới cho ở trong công ty, đây là chuyện tự nguyện chứ không phải giam giữ. Bị cáo nói mình không cưỡng đoạt tiền bởi tất cả số tiền đó đều có biên lai của công ty. Bị cáo thừa nhận có cưỡng đoạt ba trường hợp trong sáu trường hợp truy tố...
Trong số 73 người bị hại chỉ có chín người đến dự tòa. Khai trước tòa, nhiều người tố các bị cáo, có ba người bênh các bị cáo và xin giảm án cho họ.
VKS nói tàn ác, luật sư nói nhân văn
Trong phần luận tội, công tố viên nhận định có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội như đã truy tố, trong đó Trí là người cầm đầu, chủ mưu. Hành vi bắt giữ người và cưỡng đoạt của các bị cáo là tàn ác, sẵn sàng đàn áp nhân viên nếu ai không phục tùng. Từ đó VKS đề nghị phạt Trí từ 12 đến 14 năm tù, Hậu từ 10 đến 12 năm tù, Cường từ bảy đến chín năm tù, Yến từ bốn đến năm năm tù, Phương từ ba đến bốn năm tù, Nhanh từ một đến hai năm tù.
Bào chữa, luật sư của Trí cho rằng việc cho các nhân viên ở trong công ty là tạo điều kiện cho những người ở tỉnh xa. Nhiều nhân viên khẳng định không có chuyện bắt giữ hay cưỡng đoạt. Các nhân viên được các công ty cho đi du lịch mỗi năm, hằng ngày vẫn đi tập thể dục, uống cà phê sáng và họ đều sử dụng điện thoại di động.
Theo luật sư, Trí chỉ là người giúp việc chứ không phải là người cầm đầu. Tân Hoàng Phát là một doanh nghiệp, có doanh thu, nộp thuế... chứ không phải là doanh nghiệp trá hình. Trí không cưỡng đoạt tài sản. Bản cam kết được hai bên đồng ý, không có sự ép buộc. Và đây là những thỏa thuận mang tính nhân văn, tạo điều kiện bảo đảm an toàn trật tự và không trái pháp luật. Luật sư yêu cầu HĐXX đánh giá lại chứng cứ vì có một số bị hại rút đơn tố cáo, khai bị ép phải viết thế...
Hôm nay tòa tiếp tục phần tranh luận.
HOÀNG YẾN
Nghỉ không được, trốn không xong Cáo trạng xác định vợ chồng Trí và Yến thành lập năm công ty và cơ sở massage, sau đó tuyển các cô gái trẻ, đẹp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM làm kỹ thuật viên. Các nữ tiếp viên được Trí và Yến ký hợp đồng với mức lương thỏa thuận là 670.000 đồng/tháng và bắt họ ký vào bản cam kết với những điều trái luật. Cụ thể, họ phải ăn, ở tại công ty, làm việc sau sáu tháng mới được nghỉ phép một lần. Nếu nghỉ trước sáu tháng thì phải bồi thường 24 triệu đồng, trong đó 9 triệu đồng ứng trước học nghề và 15 triệu đồng tiền ăn ở, son phấn và bồi dưỡng tay nghề. Trên thực tế, các nhân viên phải làm các công việc như xoa bóp, kích dục cho khách từ 9 giờ sáng đến 1 giờ đêm. Hết giờ làm, họ được đưa về giữ tại nhà Trí, có khoảng 10 bảo vệ canh giữ. Ai bị khách phàn nàn sẽ bị Trí và đàn em đánh đập, buộc quét dọn vệ sinh, phụ bếp 3-7 ngày. Các nhân viên đi khám bệnh đều có bảo vệ đưa đi, canh giữ cẩn thận từ lúc đi đến lúc về. Người nào nghỉ phép hoặc nghỉ việc phải đóng tiền thế chân và giao cho Yến quản lý tiền. Một số nhân viên không chịu nổi đã tìm cách bỏ trốn. Ngày 27-9-2008, mẹ của Trần Ngọc T. (ngụ Đồng Tháp) lên gặp Phương (quản lý) xin cho T. nghỉ nhưng Phương không cho. Bà nghĩ cách cho người đem thuốc giảm đau vào cho T. uống để T. bị nôn ói rồi xin đi bệnh viện, sau đó sẽ tìm cách trốn thoát. Tuy nhiên, khi gia đình bắt taxi đến trước cửa bệnh viện chờ giải cứu con gái thì bị quản lý công ty phát hiện. T. bị bắt lại và Trí buộc gia đình cô đem 24 triệu đồng lên nộp cho Hậu mới được nghỉ việc. Hay nữ tiếp viên Linh Đ. làm việc cho cơ sở massage Kim Thu của Trí từ năm 17 tuổi, sau này chuyển sang Tân Hoàng Phát. Đến năm 2007, do để có thai với khách nên cô bị Trí và quản lý đánh và tịch thu hết nữ trang gồm ba bông tai, ba nhẫn vàng và bắt nộp 20 triệu đồng rồi cho nghỉ việc. Giảm án quá bất thường Đầu tháng 12-2008, công an đột kích vào cơ sở massage Tân Hoàng Phát giải cứu cho 64 nữ tiếp viên. Sau đó vụ án được khởi tố. Đầu năm 2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trí 12 năm tù, Hậu 10 năm tù, Cường chín năm tù cùng về hai tội bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Yến bị phạt sáu năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Cùng tội bắt, giữ người trái pháp luật, Phương bị phạt ba năm tù, Nhanh hai năm tù. Cuối năm 2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm hơn phân nửa mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên cho tất cả bị cáo. Đến tháng 4-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trước đó để điều tra, xét xử lại theo hướng tăng hình phạt đối với tất cả bị cáo. |