Chủ nhiệm UB Tư pháp: Cơ quan tố tụng cần tôn trọng giám sát

Ngày 3-9, tại phiên toàn thể lần thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp (UBTP), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết theo Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai đề cập nhiều giải pháp, trong đó có giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội.
“Để phòng chống oan sai, qua các kênh giám sát, ở đây có Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó Chánh án TAND Tối cao, Thứ trưởng Bộ Công an, tôi đề nghị các đồng chí cầu thị, lắng nghe ý kiến của Đại biểu Quốc hội phản ảnh và kiến nghị của các Uỷ ban của Quốc hội. Có một số vụ án các Đại biểu Quốc hội có kiến nghị đến tòa, viện nhưng các đồng chí không có phản hồi”, bà Nga nói.
“Đề nghị phải tôn trọng cơ quan giám sát, chúng tôi đang làm theo luật. Khi chúng tôi tổ chức một số cuộc họp, có một số đồng chí ở cơ quan tố tụng nói rằng: “Uỷ ban Tư pháp tổ chức cuộc họp như thế này thì có đúng luật không vì chúng tôi đang chuẩn bị xét xử”, bà Nga nêu.
Theo bà Nga, lịch của Uỷ ban Tư pháp họp thì Uỷ ban họp, còn tòa cứ làm việc độc lập và tuân theo pháp luật. “Chúng tôi đã trao đổi với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, anh Trí cũng nói các thông tin ấy cần ghi nhận và lắng nghe một cách cầu thị chứ không phải quy chụp, khó chịu, không trả lời ý kiến Đại biểu Quốc hội. Rồi khi tổ chức họp lại nói không đúng luật”, bà Nga nói.

Bà Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan tố tụng cầu thị, lắng nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HẢI

Cạnh đó, bà Lê Thị Nga còn đề nghị cơ quan tố tụng lắng nghe các thông tin từ cơ quan báo chí và có phản hồi nhất định.
Theo bà Nga, để phòng chống oan sai thì trước hết những việc đơn giản nhất có thể làm là như trên. Còn những giải pháp to lớn trong báo cáo rất là hay nhưng đi vào vụ cụ thể như vụ Trương Huy Liệu đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị rất bức xúc.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan tố tụng tôn trọng sự giám sát của các Uỷ ban của Quốc hội”, bà Nga nói.
Cụ thể, tại buổi họp, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp nêu báo cáo của Chính phủ có đề cập đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quối hội về phòng chống oan sai có nội dung: “Đảm bảo sự tuân thủ của các cơ tiến hành quan tố tụng theo đúng quy định của pháp luật và có một ý cuối cùng nói rằng Uỷ ban Tư pháp, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội chịu trách nhiệm thực hiện giám sát các việc này”.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi: Có hành vi vi phạm tố tụng thì có bắt buộc phải khôi phục quy trình tố tụng đó hay không?
Như vụ án Trương Huy Liệu và Nguyễn Thị Dung, tại điều 106 BLTTHS quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định và việc trưng cầu giám định tuân thủ theo quy định của luật Giám định tư pháp. Khoản 4 Điều 2 của luật Giám định tư pháp thì quy định rằng tổ chức giám định, người giám định tư pháp là người có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ giám định tư pháp theo trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Cũng tại khoản 2 Điều 24 quy định những tổ chức giám định, người giám định không thuộc phạm vi này hoặc không đủ năng lực chuyên môn thì buộc phải từ chối.
“Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định một tổ chức giám định không có chức năng giám định tư pháp. Kết quả là đưa ra hai bản giám định. Như vậy sai phạm này có nghiêm trọng hay không khi mà buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng kết luận giám định vốn dĩ vi phạm quy định tố tụng?”, đại biểu Sơn đặt vấn đề.

Như PLO đã đưa tin, đầu tháng 7, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xử phúc thẩm vụ kỳ án gỗ trắc kéo dài tám năm chưa có hồi kết. 

Theo hồ sơ, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập lô gỗ gần 614,7 m3(gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt.

Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.

Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án.

Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an.

Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu và trả hồ sơ về Tổng cục Hải quan. Hồ sơ vụ án sau đó chuyển sang Văn phòng Cơ quan CSĐT C44 Bộ Công an. C44 ra quyết định khởi tố các bị can. 

Trong quá trình thụ lý, điều tra vụ án, C44 Bộ Công an đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp trung ương, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mới đây, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật xảy ra tại C44 Bộ Công an và đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày26-7, TANDCấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo kêu oan, sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Cụ thể, toà tuyên bị cáo Trương Huy Liệu (cựu phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) và Trần Thị Dung (cựu giám đốc Công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu) phạm tội buôn lậu, tăng mức án từ một năm 16 ngày lên bảy năm tù đối với Liệu và từ chín tháng tù treo lên ba năm tù treo đối với Dung. Bị cáo Đỗ Lý Nhi (cựu cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt) và Lê Xuân Thành (cựu cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị) mỗi người chín tháng tù treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm