“Xử lý, xử phạt như thế là đúng”
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành khẳng định bà Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên, An Giang), ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) và bà Phan Thị Kim Nga (Phó Văn phòng Sở Công Thương, vợ ông Phúc) có vi phạm và việc xử lý như thế là đúng.
Cụ thể, bà Trang đọc báo thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Bà đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Ông Phúc vào “like”, bà Nga sử dụng Facebook của chồng để “câu like”. Cả ba người này đã thừa nhận có hành vi vi phạm.
Về việc xử phạt hai cá nhân ở mức 5 triệu đồng, ông Tâm cho biết quy định mức phạt theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 từ 10 đến 20 triệu đồng là đối với tổ chức. Còn cá nhân vi phạm thì áp dụng mức xử phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 2 nghị định này. Do các cá nhân vi phạm đã nhìn nhận khuyết điểm, hợp tác tốt với cơ quan chức năng và thành thật nhìn nhận vi phạm nên Sở đã cân nhắc, xem xét phạt 5 triệu đồng, mức khởi điểm của khung xử phạt.
“Ảnh hưởng lớn đến cá nhân tôi”
Chiều 19-11, trao đổi qua điện thoại với Pháp luật TP.HCM, ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Sau khi nghe thông tin toàn bộ sự việc từ các cơ quan báo cáo, tôi thấy chuyện này không có gì phức tạp”.
“Các cá nhân nói trên có những ý kiến, bình luận về tôi như vậy trên Facebook là quá đáng và ảnh hưởng lớn đến cá nhân tôi, gây tác động nhiều đến dư luận. Tự nhiên mình không như vậy mà người ta nói mình như vậy. Điều này ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý của tôi” - ông Thạnh nói.
Ông Thạnh cho biết báo cáo của sở, ngành cho thấy cả ba người có liên quan đều nhìn nhận cái sai. “Bản thân tôi bây giờ sẵn sàng tha thứ để họ sửa sai. Từ đầu đến cuối tôi đều không chỉ đạo phải xử như thế nào hoặc trù dập họ. Còn anh em nếu thấy xử nặng và chưa đúng thì cứ khiếu nại, kiến nghị theo quy định để cơ quan chức năng giải quyết”.
Ông Thạnh khẳng định ông không có đơn từ nào yêu cầu xử lý các cá nhân trên. Về dư luận do trước kia có xích mích với gia đình ông Phúc (ông Thạnh xây nhà làm hư hỏng nhà cha mẹ ông Phúc bên cạnh và đã bồi thường), giờ “nhớ chuyện xưa” nên mạnh tay xử lý “chuyện Facebook”, ông Thạnh nói: “Tôi khẳng định là hoàn toàn không có. Các ngành chức năng cứ vào cuộc để tìm hiểu rõ. Ngày xưa khi còn giữ chức phó chủ tịch tỉnh, tôi xây dựng, sửa chữa nhà có gây hư hỏng nhà hàng xóm và thời điểm đó đã sửa chữa, khắc phục. Tôi không hiểu sao sẵn chuyện này dư luận lại lôi kéo chuyện cũ vào, rõ ràng là không hay”.
"Ảnh hưởng" khác "xúc phạm"! Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng việc ý kiến, bình luận về ông trên Facebook như vậy là đã ảnh hưởng lớn đến cá nhân ông, ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý của ông. Ông không nói mình bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay uy tín như điều luật mà các cơ quan chức năng tỉnh này đã viện dẫn khi xử phạt hành chính hai cá nhân “vi phạm” (điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP). Nguyên văn câu nhận xét (hoặc chê) của cô giáo Lê Thị Thùy Trang trên Facebook là: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Có lẽ ai cũng thấy nhận xét này ít nhiều có “đụng chạm”, gây phiền lòng người bị nhận xét nhưng mức độ phiền lòng đến đâu, có xúc phạm hay chưa lại là chuyện khác. Huống chi trước khi công an phát hiện và cơ quan chức năng xử lý người viết Facebook, người “like”, ông chủ tịch chưa hề đọc thấy câu này (như ông đã trả lời báo Pháp Luật TP.HCM trên số báo ngày 18-11) thì làm sao ông có thể thấy mình bị xúc phạm. Cho đến khi quyết định xử phạt đã ký, cơ quan chức năng cũng chưa hề tiếp xúc, làm việc với ông (như ông đã trả lời Pháp Luật TP.HCMtrên số báo nói trên). Vậy mà cơ quan xử phạt đã quả quyết ông bị xúc phạm để rồi “ra tay” là một điều rất lấy làm lạ. Lẽ thường, người dân nào cũng có quyền cảm nhận, đánh giá và nhận xét về ông chủ tịch của mình hay một quan chức nào đó có thiện cảm hay không, gần dân, xa dân thế nào, miễn sao đó không phải là sự công kích, cáo buộc vô căn cứ. Khi nghe được lời nhận xét, nếu thấy đúng, ông chủ tịch có thể tự điều chỉnh để mình thân thiện hơn, gần dân hơn; nếu thấy sai, ông có thể “bơ” đi, vì chuyện chín người mười ý, để tâm làm gì. Chứ chỉ nhận xét thiếu thiện cảm như trên mà bị coi là hành vi vi phạm, bị xử lý kỷ luật và bị phạt thì không thuyết phục được công chúng chút nào. NGÔ THÁI BÌNH |