“Đợt này tốn tiền nhiều để làm quy hoạch lâu dài cho Đà Nẵng. Nên có lẽ phải đưa vào nghị quyết luôn để mấy ông nhiệm kỳ sau khỏi thay đổi theo ý khác” -ông Huỳnh Đức Thơ nói tại hội thảo khoa học phát triển KT-XH Đà Nẵng tầm nhìn 2050 diễn ra sáng 19-3.
Tạo động lực trên từng mét vuông đất
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), Đà Nẵng có bản sắc tốt nhưng đẳng cấp chưa cao. Có thể đặt những mục tiêu tăng trưởng cao hơn nữa.
“Năng lực hội nhập và lan tỏa của Đà Nẵng chưa phải cao. Cần đánh giá lại năng lực hội nhập. Nguồn lực cơ bản của Đà Nẵng là quỹ đất thì giờ còn gì. Áp dụng cơ chế thế nào để kéo nguồn lực về?” - ông Thiên đặt câu hỏi.
Theo vị này, cần xác định Đà Nẵng có vai trò trung tâm vùng. Vai trò định vị cho cả vùng. Đà Nẵng phải là TP có đẳng cấp hiện đại cao nhất. Hiện đại hóa và bền vững. Ông cũng cho rằng nếu Đà Nẵng không phát triển du lịch theo hướng chọn lọc khách thì không bền vững.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Tấn Việt
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch) nhìn nhận Đà Nẵng phát triển quá nóng. Ông Sơn cho hay những người làm quy hoạch tại Đà Nẵng từng thừa nhận với ông rằng đôi khi phải làm quy hoạch 1/500 trước khi có quy hoạch 1/1.000, 1/5.000.
“Bây giờ phát triển cần chậm lại và xem đây là cơ hội, định hướng chiến lược phát triển bền vững hơn. Nếu Đà Nẵng làm được vi trò đứng đầu trong vùng đô thị miền Trung, giúp họ cùng phát triển thì sẽ đi đầu trong cả nước” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT) cho hay không nên dùng từ ngữ đao to búa lớn quá dành cho Đà Nẵng.
Lấy ví dụ về đường ven biển, ông Vinh nói: “Giá Đà Nẵng lùi cái đường đó vào trong thì giờ có quỹ đất công viên ven biển như Nha Trang. Giờ thì quỹ đất đó không còn nên phải cố gắng gìn giữ những gì còn lại. Làm sao để từng mét vuông đất tạo ra động lực mới”.
Không tiếc tiền mời chuyên gia
Trước các quan điểm của đại biểu, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay hội thảo hôm nay đặt những thanh ray đầu tiên của chiếc xe lửa Đà Nẵng đi hướng nào.
“Hiện nay dự toán TP đưa lên khoảng 50 tỉ đồng để tổ chức thi về ý tưởng. Lúc đó chúng tôi sẽ hình dung đô thị, trên từng lô đất sẽ làm gì” - ông Thơ nói.
Theo chủ tịch Đà Nẵng, nhiều khi chính quyền cứ lao theo yêu cầu bức bách của thực tiễn rồi ký chỗ này, ký chỗ khác. Ông cũng lo lắng bây giờ làm xong quy hoạch chung, quy hoạch KT-XH rồi biết đâu nhiệm kỳ khác lên nói "tôi không muốn làm theo quy hoạch này nữa, tôi muốn đổi thì có ổn không?".
“Không có ràng buộc nào cả. Làm sao bắt ông nhiệm kỳ sau phải làm đúng như vậy. Có thể đưa vào nghị quyết nữa” - ông Thơ nói.
Ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT). Ảnh: Tấn Việt
Theo ông Thơ, từ những năm 2000 TP bỏ ra 1.000 tỉ đồng từ ngân sách để giải tỏa đền bù, làm ba khu công nghiệp (KCN). Ồ ạt thu hút đầu tư bằng mọi giá, việc gì cũng đưa vào hết.
“Giờ nhìn lại, nói không thành công là xúc phạm với người đi trước. Nhưng nói thành công cũng không đúng lắm. Bỏ ra 1.000 tỉ đồng mà giờ sắt, thép, phải lo giải tỏa, di dời, nào là giấy, xi măng. Mặc dù thời điểm đó quy mô nền kinh tế Đà Nẵng rất nhỏ, chính ngành công nghiệp đó đóng góp trên 50% giá trị GDP. Giờ nhìn lại, sửa lại cực kỳ khó. Không cách chi mà chuyển đổi được hết, TP hết quỹ đất rồi” - ông Thơ nói.
Nhận định chi phí giải tỏa đền bù quá lớn khiến các nhà đầu tư chạy đi nơi khác, ông Thơ cho rằng TP nghĩ đến phương án dành ngân sách hàng ngàn tỉ đồng để giúp doanh nghiệp giải tỏa đền bù. Như thế may ra mới mời gọi doanh nghiệp được.
“Rất tha thiết đề nghị các chuyên gia dành nhiều thời gian hơn nữa cho quy hoạch Đà Nẵng. Chúng tôi không sợ tốn kém đâu. Mà phải có các nghiên cứu hết sức trách nhiệm, có phương pháp” - ông Thơ mong mỏi.