Ngày 2-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tại hội nghị, câu chuyện để xảy ra thiếu điện vào thời điểm mùa hè năm 2023 tiếp tục được nhiều lãnh đạo EVN nhắc lại và coi đó là một bài học đắt giá cho EVN, cho ngành điện.
Theo đó, về câu chuyện thiếu điện vừa qua, ngoài nguyên nhân khách quan như dự phòng nguồn điện ở khu vực miền Bắc rất thấp, ảnh hưởng của El Nino, nhu cầu phụ tải tăng cao…, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho rằng còn do nhiều nguyên nhân chủ quan.
Đó là còn hạn chế trong điều chỉnh phụ tải, sự phối hợp giữa địa phương và khách hàng; việc huy động nguồn điện, điều tiết các hồ thuỷ điện còn bất cập, chưa theo kịp diễn biến thuỷ văn...
Để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024, giải pháp được Tổng giám đốc EVN đưa ra là chủ động trong dự báo cung cầu điện, vận hành hệ thống điện an toàn tin cậy, sẵn sàng phương án ứng phó tình huống bất lợi. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra giám sát trên cơ sở thay đổi và điều chỉnh phân cấp, quản lý nội bộ.
"Bài học kinh nghiệm đau đớn năm 2023 xuất phát chính từ khâu kiểm tra giám sát. Vấn đề này đồng chí Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt và thúc giục hằng ngày. Chúng ta thấy rằng có những sự việc nếu tăng cường kiểm tra giám sát thì có thể ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hậu quả - ông Tuấn nói.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cũng chia sẻ: “Thiếu điện là bài học đắt giá cho EVN. Các cán bộ của tập đoàn bị xem xét trách nhiệm và bị xử lý. Đây là nhiệm vụ cam go cho năm sắp tới, không chỉ cho năm 2024, 2025, 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên cả nước được đảm bảo”.
Về tình hình tài chính của EVN, Chủ tịch Đặng Hoàng An cho biết hiện đang rất khó khăn với khoản lỗ liên tiếp trong hai năm qua, khối lượng đầu tư xây dựng đang suy giảm so với nhiều năm trước, nhiều công trình bị chậm, vướng mắc. Việc đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng là thách thức khi hiện nhiều cán bộ có chất lượng đã rời ngành vì lương thấp.
Nhắc lại những vụ việc bị xử lý gần đây, Chủ tịch EVN đánh giá đây là bài học đau đớn của ngành điện. Do vậy Tập đoàn sẽ có những nghị quyết chuyên đề về các chỉ tiêu trong những năm tới liên quan đến trách nhiệm cung ứng điện, đầu tư xây dựng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
“Chúng ta phải đi theo hướng quản trị quốc tế là minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao, từ lập phương thức vận hành hệ thống điện, kế hoạch vận hành thị trường điện, đàm phán các hợp đồng mua bán điện để tránh tình trạng mọi người nhìn vào tập đoàn như một cái hộp đen. Để làm sao khi dư luận hỏi về báo cáo tài chính, các đơn vị phải hết sức công khai” - Chủ tịch EVN nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng nếu không tăng giá điện thì không giải quyết được khoản lỗ luỹ kế của EVN. Khi không giải quyết được khoản lỗ này thì sẽ rất khó khăn, không thể làm được việc gì.
Trước những khó khăn của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay Bộ đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá điện sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.
Về cung ứng điện năm 2024, Thứ trưởng Tân yêu cầu EVN cần chuẩn bị các kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô để đảm bảo cung cấp điện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu điện như đợt tháng 6-2023.