Hai lần tăng giá điện, EVN vẫn lỗ

(PLO)- Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không bù đắp được chi phí sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị lỗ năm thứ hai liên tiếp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết năm 2023 là một năm đầy khó khăn đối với ngành điện với tác động của hiện tượng El Nino, giá các loại nhiên liệu cho sản xuất điện dù có giảm vẫn ở mức cao, công tác đầu tư xây dựng gặp nhiều vướng mắc.

Tuy vậy, đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt 80.555 MW, tăng 2.800 MW so với năm 2022. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Về cơ cấu nguồn, năng lượng tái tạo chiếm 26,9%; tuốc bin khí và dầu chiếm 10,3%; nhiệt điện than 33,2%; thuỷ điện 28,4%. Trong đó EVN chiếm 37,3%; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 10,3%, còn lại là các nhà đầu tư tư nhân và BOT.

Với cơ cấu nguồn như vậy, ngoài nguồn thuỷ điện và năng lượng tái tạo sau khi đã đầu tư thì giá thành sản xuất tương đối ổn định, còn lại xấp xỉ trên 43% nguồn điện nhiệt điện than, tuốc bin khí và dầu thì theo biến động thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện của EVN.

điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN báo cáo kết quả công tác năm 2023.

Theo ông Tuấn, năm 2023, doanh thu toàn tập đoàn đạt 497 ngàn tỉ đồng, tăng 5,4%, nhưng tổng tài sản giảm 6,3%; lợi nhuận cổ tức tại các công ty cổ phần đạt hơn 8.900 tỉ đồng, tăng 21,56%.

“Tập đoàn thì mất cân đối tài chính nhưng các đơn vị phụ thuộc, các đơn vị công ty cổ phần của tập đoàn thì đạt mức lợi nhuận khá cao do chính sách của thị trường điện còn nhiều vấn đề” - ông Tuấn chia sẻ.

Phân tích kỹ về giá thành sản xuất kinh doanh điện, Tổng giám đốc EVN cho biết tổng chi phí giá thành sản xuất điện là 2.092 đồng/kWh, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh, trong đó giá thành sản xuất mua điện từ các đơn vị của EVN và các nguồn ngoài là xấp xỉ 1.620 đồng/kWh.

“Tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí giá thành của ngành năng lượng, trong khi ở các nước giá thành sản xuất điện giao động 40-50%, còn lại để dành chi phí cho các khâu truyền tải phân phối. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết thì đây giống như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Năm 2024, Tổng giám đốc EVN nhận định tập đoàn sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt khó khăn, thách thức, nhất là việc đảm bảo cân đối tài chính sau hai năm lỗ liên tiếp. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Tuấn bày tỏ mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện.

Trước những khó khăn của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá điện sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.

Về cung ứng điện năm 2024, Thứ trưởng Tân yêu cầu EVN cần đảm bảo cung cấp điện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu điện như đợt tháng 6-2023.

Thứ trưởng Công Thương đề nghị EVN phối hợp Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty than Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đảm bảo việc cung ứng than, khí cho sản xuất điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm