Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội, chiều 9-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, bối cảnh năm 2023 có thể còn phức tạp, khó khăn hơn năm 2022.
Nói phải chuẩn, hứa phải làm
Do vậy, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, UBND TP Hà Nội xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Quyết liệt đổi mới công tác điều hành, phục vụ người dân doanh nghiệp; tập trung triển khai các nhiệm vụ Thành uỷ đã giao; triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4, các dự án trọng điểm đúng tiến độ…
Về việc thực hiện lời hứa đã cam kết với cử tri, Chủ tịch Hà Nội khẳng định hoạt động chất vấn, tái chất vấn của HĐND TP rất hiệu quả, giúp làm rõ hơn các vấn đề, thúc đẩy sự chuyển biến tại cơ quan hành chính các cấp. Qua đó, nhiều việc đã được chính quyền các cấp của TP hoàn thành, nhưng có việc chưa đạt kế hoạch như báo cáo của UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TP |
“Có nhiều nguyên nhân. Tôi có hỏi chị Hà (Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội - PV) sao lại áp thời gian như thế, chị Hà bảo là UBND TP đăng ký như thế. Hăng say quyết thắng không cân nhắc kỹ, có nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát, không cân nhắc kỹ về thời điểm, thời gian thì thành ra thất hứa với dân”- Ông Thanh nói, đồng thời đề nghị, trước khi ra Nghị quyết về chất vấn, UBND TP được tham gia về thời điểm cam kết.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội lấy ví dụ về thời điểm cam kết đấu nối hệ thống xử lý nước thải liên quan đến 2 doanh nghiệp ở huyện Mê Linh đã đặt ra là quý I-2023. “Đây là mong muốn của mình chứ không phải mình đi ký kết. Mình chỉ đôn đốc, tạo điều kiện thôi” - Ông nói và cho rằng cần ước lượng thời gian hoàn thành cho phù hợp để “đã nói phải chuẩn, đã hứa phải làm”.
Về giải pháp đảm bảo thực hiện lời hứa trước cử tri, Chủ tịch Hà Nội cho biết tới đây Văn phòng UBND TP sẽ triển khai đồng loạt phần mềm đôn đốc, nhắc nhở công việc.
“Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP là “nếu phần mềm không chạy được thì phải làm bằng tay, dứt khoát phải làm”. Đặc biệt là hệ thống nhắc việc giữa Hà Nội với các bộ ngành, đừng để phải nhắc đến lần 2 mà không làm. Đây là giải pháp trọng tâm để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các lời hứa, cam kết với cử tri và người dân” -Ông nhấn mạnh.
Nhân lực hạn chế, việc nhiều
Chủ tịch Hà Nội chia sẻ thêm hiện nay nguồn nhân lực của TP rất hạn chế so với lượng công việc giải quyết. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất nước, nhưng có khoảng 10 triệu dân, rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn với hàng triệu giao dịch trong 1 năm.
“Mỗi doanh nghiệp lớn như thế thì bao nhiêu anh theo dõi, bao nhiêu anh quản lý. TP khoảng 10 triệu dân, quản lý từ khai sinh đến khai tử, mà số lượng cán bộ Hà Nội không khác biệt so với các nơi khác. Khối lượng công việc cao, nhiều khi tôi không hiểu sao anh em lại làm được”- Ông Thanh chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TP |
Ông lấy ví dụ việc hỗ trợ COVID-19, trên địa bàn Hà Nội khoảng 2,6 triệu người, mà Sở LĐTB&XH có mấy chục người làm, không phát sinh đơn thư khiếu nại gì. Hoặc chỗ dự án chậm triển khai, sơ bộ có khoảng 1.000 dự án, mà Phòng Quản lý dự án của Sở KH&ĐT chỉ có 5 – 7 người thì quản lý sao được, “không chậm mới lạ, không sai mới lạ”.
“Nên phải tổ chức lại, phân cấp phân quyền nếu không rất nguy hiểm. Như Sở KH&ĐT là 135 dự án chậm triển khai, mỗi dự án là 1 thân phận, tưởng như bị thu hồi nhưng chưa chắc việc thu hồi đã giống nhau”, ông Thanh nói và nhấn mạnh nói như vậy là để cử tri, nhân dân chia sẻ với TP chứ không phải viện lý do để thoái thác trách nhiệm.
Về việc huy động nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn, ông Thanh nêu, quan điểm của thành phố cái gì tư nhân làm được, xã hội hoá được thì tạo điều kiện cho tư nhân làm. Nếu doanh nghiệp không làm thì mới đầu tư công, bởi nguồn lực có hạn, không thể đầu tư tất cả các lĩnh vực, ngành nghề được. TP sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia.
Về vấn đề xử lý nước thải làng nghề, Chủ tịch Hà Nội cho rằng đây không phải là việc khó giải quyết đối với TP, nhưng nếu nghiêm túc kiểm điểm thì các cấp của TP chưa quan tâm đầy đủ để giải quyết. Ông nhấn mạnh việc xử lý nước thải làng nghề nếu không tập trung giải quyết sẽ “để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Do đó, thời gian tới TP sẽ quan tâm về nguồn vốn, công tác chỉ đạo, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để các địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề này.