Chủ tịch Hà Nội: Có thể sẽ dừng phát lộc chùa Hương

Chứ chúng ta đi sơn lại thì chẳng còn giá trị văn hóa gì cả”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói như vậy tại hội nghị giao ban giữa UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các sở, ban, ngành vào sáng 6-2. 

Theo ông Chung, ở các nước người ta chỉ dùng nước xịt cho sạch lớp bụi bẩn bám lên di tích, còn lớp rêu phong vẫn nguyên vẹn. Thế nhưng trước Tết Nguyên đán, Hoàng thành Thăng Long và cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được làm sạch bằng một lớp vôi mới. “Quét một lớp vôi mới như vậy chẳng còn Hoàng thành Thăng Long cách đây ngàn năm mà như công trình xây mới. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đi quét vôi lại. Theo tôi lãnh đạo Sở Văn hóa không nên làm như vậy với công trình văn hóa” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói. ông Chung cho rằng các đơn vị liên quan phải đưa ra kỹ thuật duy tu, duy trì đảm bảo các công trình văn hóa được giữ nguyên bản.

Trên tinh thần đó, ông Chung yêu cầu các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm sau việc quét vôi Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long. Làm như vậy đã khiến công trình mất đi giá trị văn hóa.

Liên quan đến hiện tượng tranh cướp lộc tại chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Gióng (Sóc Sơn) gây phản cảm thời gian qua, chủ tịch Hà Nội chỉ rõ việc này cũng liên quan đến trách nhiệm của Sở Văn hóa, các quận/huyện. “Có lẽ năm tới chúng ta cần làm việc với các ban quản lý, sư trụ trì tại Sóc Sơn hay chùa Hương không thực hiện phát lộc như vừa rồi gây ra sự tranh cướp. Việc này diễn ra nhiều năm rồi” - ông Chung nói.

Tại cuộc họp, ông Chung đã quán triệt cán bộ, công chức của Hà Nội không được sử dụng xe công đi lễ chùa, nếu phát hiện phải xử lý. “Thủ tướng đã quán triệt nhưng hôm qua trên báo chí vẫn phát hiện một, hai biển số xe của Hà Nội. Chúng ta phải xác minh đó là xe của đơn vị nào và phải phê bình” - ông Chung yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, theo đó TP chọn tác phong cán bộ, công chức ở khâu làm dịch vụ công để chấn chỉnh vì đây là tồn tại người dân phản ánh nhiều.

“Có nhân viên cấp sở vỗ ngực “tôi mới là quản lý chứ không phải giám đốc”. Những trường hợp như vậy phát hiện ra là phải xử lý” - chủ tịch TP Hà Nội nói.

Loa phường 1 năm ngốn vài trăm triệu

Cũng tại buổi làm việc này, liên quan đến vấn đề loa phường, ông Chung cho hay: “Giám đốc Sở Tài chính báo cáo sơ bộ cho tôi (về loa phường) rất tốn, một năm mấy trăm triệu trong khi chất lượng thông tin phát hành rất thấp”.

Theo đó, chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan sớm đánh giá đầy đủ về hệ thống loa phường, từ đó báo cáo, tham mưu cho UBND TP Hà Nội “xem cơ chế nào duy trì loa phường hay là bỏ”.

Theo kết quả lấy ý kiến trực tuyến về loa phường trên cổng thông tin điện tử Hà Nội, đến trưa 6-2, có 78% (77.609) ý kiến cho rằng hoạt động của đài truyền thanh cấp cơ sở là cần thiết nên duy trì như hiện nay. Trong khi đó, 21% ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì hoạt động của loa phường. Riêng ở mục lấy ý kiến về nội dung thông tin trên đài truyền thanh cơ sở có thiết thực không, có đến 88% ý kiến cho rằng không thiết thực.

Dự kiến việc lấy ý kiến người dân về loa phường qua kênh trực tuyến sẽ kết thúc vào ngày 17-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới