Tối 31-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ thị mới nhất về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, ông Chung yêu cầu toàn TP thực hiện các giải pháp cấp bách sau: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn TP theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, TP cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định”.
“Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng” - chỉ thị nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu...
Ông Chung cũng yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Biện pháp “cách ly” lúc này sẽ có tác dụng rất lớn, có tính chất quyết định đến việc ngăn chặn, không cho dịch lây lan ra cộng đồng, lan rộng ra các nơi.
Đặc biệt mỗi gia đình, mỗi cá nhân chú ý tự rà soát mọi hoạt động của mỗi cá nhân, người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè có bất cứ mối liên hệ nào tới “ổ dịch” tại BV Bạch Mai hoặc người đi từ các vùng dịch ở các nước về thì ngay lập tức phải cách ly tại nhà và khẩn trương khai báo y tế tự nguyện, thông tin ngay để được lấy mẫu xét nghiệm. Bởi hiện nay, trên địa bàn thành phố tất cả những ai đã có mặt, tiếp xúc đi đến BV Bạch Mai từ ngày 10-3 đến 28-3 hoặc tiếp xúc với những người đã từng đến BV Bạch Mai trong thời gian qua sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Mọi người hãy tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Tại chỉ thị, chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị mỗi người dân thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Toàn bộ công tác phòng, chống dịch hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, việc quyết định “thành” hay “bại” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời điểm này cần phải có sự tham gia chung sức, đồng lòng, có trách nhiệm của tất cả mọi người dân trên địa bàn thủ đô.
“Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không tập trung đông người mua và tích trữ hàng hóa. Việc tập trung đông người lúc này sẽ rất dễ có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng...” - chỉ thị nhấn mạnh.
Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp cần thiết mới đến làm việc tại cơ quan, đơn vị như: trực chiến đấu; trực cơ quan; cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý tài liệu mật, tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch; các trường hợp khác phải có văn bản của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trung ương và thành phố mới đến làm việc tại cơ quan.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lập danh sách cán bộ công chức, người lao động đến cơ quan đơn vị làm việc; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại cơ sở.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp sau: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; cơ sở lưu trú du lịch; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ bưu điện; dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử; dịch vụ viễn thông truyền hình; dịch vụ bảo vệ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt; dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Khi giao dịch trong các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tổ chức cho cán bộ công nhân viên, người lao động nghỉ tại nhà, nơi cư trú, tại nhà máy, tại công trường xây dựng (nếu có), trừ các trường hợp: sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu như: sản xuất, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm, hoa quả, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh, an ninh quốc phòng; dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các nhà máy cung cấp nước sạch, các xưởng may sản xuất khẩu trang y tế, nhà máy sản xuất nước đóng chai, nước trái cây. Các nhà máy xí nghiệp đang phải sản xuất các đơn hàng phải trả theo hợp đồng đã ký trước ngày 15-4.
Các trường hợp được tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy xí nghiệp, công trường nêu trên phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt về bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, đồng thời áp dụng các giải pháp phòng chống dịch tại cơ sở và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Đặc biệt tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh này cần phải chủ động yêu cầu bắt buộc các nhân viên, công nhân có liên quan đến yếu tố tiếp xúc đến thăm, khám chữa bệnh hoặc có tiếp xúc với người thân, bạn bè đã đến hoặc làm việc tại BV Bạch Mai trong thời gian từ ngày 10 đến 28-3 thì đều phải cách ly, cho lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; đeo khẩu trang, không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn vệ sinh y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người.
Bên cạnh đó, ông Chung yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Công an TP Hà Nội, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch” tại BV Bạch Mai; tranh thủ từng giờ, từng phút để áp dụng các biện pháp cách ly tại nhà đối với tất cả trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, học sinh từng đến học tập, thực tập và có giao dịch như thăm thân, người bệnh nội trú, chăm sóc người nhà điều trị tại BV Bạch Mai, lập tức cách ly y tế tại nhà.
Trong quá trình cách ly không tiếp xúc với người nhà, đeo khẩu trang, mở cửa phòng cho thoáng, đồng thời khẩn trương tự khai báo y tế và liên hệ ngay với các cơ sở y tế tại phường, quận nơi cư trú để được lấy mẫu xét nghiệm.
Phối hợp với Công an TP lập danh sách các trường hợp liên quan hoạt động của Công ty Trường Sinh và các công ty có cung cấp tất cả các dịch vụ khác cho BV Bạch Mai.
Chú ý đến các nhân viên đã đi đến làm việc, giao dịch với BV Bạch Mai từ ngày 10 đến 28-3 có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh; tổ chức các trạm di động để xét nghiệm nhanh cho người dân đã từng đến thăm người nhà hoặc điều trị, đặc biệt người dân có tiếp xúc các trường hợp có liên quan đến BV Bạch Mai hoặc có yếu tố đi từ các nước vùng dịch về thành phố từ ngày 10 đến 28-3 phải tự cách ly và thông báo để lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức các trạm xét nghiệm nhanh tại một số cửa ngõ chính ra vào TP; chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế.
Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để lọt bất cứ một cá nhân nào gây lây nhiễm làm ảnh hưởng đến các hoạt động của toàn bộ bệnh viện. Rà soát toàn bộ khoa/tổ dinh dưỡng tại các bệnh viện phải đảm bảo nhân lực, nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa theo đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cũng như tiêu chuẩn về sức khỏe và trình độ của các điều dưỡng viên của các khoa dinh dưỡng đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở GTVT, thành lập các chốt kiểm soát để giám sát việc chấp hành của mọi người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Sở Y tế tổ chức một số chốt xét nghiệm nhanh tại một số cửa ngõ chính ra vào trên địa bàn TP; triển khai các giải pháp kiểm tra việc thực hiện cách ly xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng…
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với lực lượng y tế tiếp tục quản lý các khu cách ly tập trung trên địa bàn, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, thực hiện giãn mật độ cách ly phù hợp, không để lây chéo dịch bệnh trong khu cách ly tập trung.
Sở Công Thương chỉ đạo đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian áp dụng cách ly. Lập danh sách các phương tiện được vận chuyển, phân phối lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, phục vụ an ninh quốc phòng.
Sở GTVT chỉ đạo dừng các hoạt động xe buýt, taxi, xe công nghệ, xe ôm, xe khách liên tỉnh; phối hợp với Công an TP thiết lập các chốt để giám sát việc chấp hành của mọi người phải tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.