Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân: Tận dụng cơ hội để thành đô thị loại 1

Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân: Tận dụng cơ hội để thành đô thị loại 1

(PLO)- Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đang mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh Khánh Hòa.

“Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 09) và nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt là nghị quyết 55) có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới với các cơ chế, chính sách đặc thù. Qua đó, giúp Khánh Hòa khơi thông các nguồn lực, khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh như vậy khi trả lời Pháp Luật TP.HCM nhân đầu xuân Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Bốn quy hoạch đến 2045-2050

. Phóng viên: Tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghị quyết 55 như thế nào để tận dụng tối đa cơ hội trong thời gian 5 năm thí điểm, thưa ông?

+ Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Khánh Hòa đã triển khai thực hiện, hoàn thành xong các văn bản để cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù. HĐND tỉnh đã ban hành năm nghị quyết, UBND tỉnh ban hành hai quyết định.

Khánh Hòa tận dụng cơ hội để trở thành đô thị loại 1.

Khánh Hòa tận dụng cơ hội để trở thành đô thị loại 1.

Chính phủ cũng có quyết định ủy quyền, phân cấp cho tỉnh phê duyệt quy hoạch cục bộ khu đô thị và chuyển đất rừng. Hiện vẫn còn hai việc là nghị định hướng dẫn thành lập quỹ hỗ trợ nghề cá và việc chuyển đổi đất ruộng.

11 cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa

Ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua 11 cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách; quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong khu kinh tế Vân Phong; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Nghị quyết 55 có hiệu lực trong 5 năm.

Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch và trong năm nay sẽ công bố các quy hoạch và kêu gọi xúc tiến đầu tư. Kế hoạch sẽ là một chu kỳ khép kín để có thể thụ hưởng cơ chế đặc thù một cách chính đáng.

. Tỉnh có các đề án quy hoạch nào và sẽ tác động ra sao đến phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa thời gian đến, thưa ông?

+ UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hoàn thành việc lập và trình thẩm định bốn quy hoạch quan trọng gồm:

Một là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã trình và được Bộ KH&ĐT tổ chức họp thẩm định.

Hai là điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đã trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định vào cuối 12-2022.

Khánh Hòa có bốn quy hoạch lớn sẽ công bố trong tháng 4-2023.

Ba là điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành khác.

Bốn là quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 đã trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định vào ngày 12-1.

Việc triển khai bốn quy hoạch nêu trên là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa theo nghị quyết 09. Qua đó mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa là TP trực thuộc Trung ương.

Huyện Cam Lâm sẽ trở thành đô thị sân bay.

Các quy hoạch trên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ trở thành các công cụ, cơ sở quản lý cho các khu vực phát triển trọng yếu của tỉnh. Đó cũng là cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch ở cấp thấp hơn và các thủ tục kêu gọi, triển khai đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

. Tỉnh sẽ triển khai đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại 1 như thế nào?

+ Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa. Trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2029 đô thị Khánh Hòa được công nhận là đô thị loại 1.

Khánh Hòa đặt mục tiêu năm 2029 sẽ được công bố đô thị loại 1

Muốn vậy, từ nay đến trước năm 2029, tỉnh cần phải đáp ứng các tiêu chí, đạt điểm phân loại đô thị theo quy định.

Song hành với việc đang thực hiện nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại 1 và giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện, tham mưu trình Tỉnh ủy trong quý I năm 2023.

Tăng cường đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp

. Khi trở thành đô thị loại 1, cơ sở hạ tầng ở Khánh Hòa sẽ thay đổi như thế nào? Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ sự thay đổi này?

+ Việc đang triển khai thực hiện các chương trình phát triển đô thị đã xác định các nhiệm vụ và dự án ưu tiên cần đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực Nam Vân Phong đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Khánh Hòa là đô thị loại 1 thì cơ sở hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị; nâng cao môi trường sống cho các khu vực đô thị, chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm các điều kiện sống cần thiết của người dân trong đô thị và các vùng phụ cận.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cải thiện thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.

Bởi lẽ phát triển đô thị bền vững luôn phải lấy yếu tố con người làm trung tâm, cân bằng hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và không gian kiến trúc. Chất lượng cuộc sống về mặt xã hội, kinh tế, môi trường được nâng cao để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con người và niềm hạnh phúc của người dân.

+ Trong năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cải thiện môi trường đầu tư như thế nào để thu hút đầu tư?

. Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp hiện có. Tỉnh cũng ban hành danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách. Đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong.

Khánh Hòa sẽ tăng cường đối thoại để cải thiện môi trường đầu tư.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cải thiện thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.

Hiện nay, Khánh Hòa đã được Bộ chính trị định hướng phát triển theo nghị quyết 09. Sau khi hoàn thiện công tác quy hoạch, công tác xúc tiến đầu tư sẽ được tỉnh ưu tiên đặt lên hàng đầu, song song đó sẽ giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án tại tỉnh.

+ Xin cám ơn ông!

Tăng trưởng năm 2022 đứng đầu cả nước

Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng 20,7%, đứng đầu cả nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng thành quả của năm 2022 là quá trình chuẩn bị sau hai năm dịch COVID-19. Ngay khi vừa mở cửa, Khánh Hòa đã xin Chính phủ và bộ ngành ưu tiên đón khách du lịch và các ngành nghề lợi thế của tỉnh.

Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đồng thời, mở lại các chuyến bay với các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Kazakhstan…

Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản khá tốt về các nguồn hàng ngay cả trong thời gian dịch bệnh. Do đó, các đơn hàng đều thực hiện tốt và tỉnh đã hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,7% so với năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt 13.843 tỉ đồng, tăng gấp 5,8 lần so với năm 2021 và đạt 346% kế hoạch.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.600 triệu USD, tăng 22,9% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỉ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021.

Đọc thêm