Người dân Khánh Hòa giao đất làm cao tốc trước khi có phương án đền bù

(PLO)- Người dân ở Khánh Hòa đã chủ động giao mặt bằng để thi công cao tốc Bắc- Nam ngay sau khi được chính quyền triển khai chủ trương giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự án thành phần xây dựng đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công vào ngày 1-1. Dự án dài hơn 83 km, đi các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Người dân đồng thuận giao đất khi vừa có chủ trương

Để thực hiện dự án, tỉnh Khánh Hòa phải giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 616 ha, ảnh hưởng đến 4.126 trường hợp người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, tháng 11-2022, tỉnh đã bàn giao cho chủ đầu dự án là Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải trên 73% diện tích, đáp ứng đúng tiến độ theo nghị quyết của Chính phủ.

Dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang khởi công vào Tết Dương lịch 2023. Ảnh: HH.

Dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang khởi công vào Tết Dương lịch 2023. Ảnh: HH.

Ông Nguyễn Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho hay tháng 2-2022, địa phương vừa có chủ trương thực hiện giải phóng mặt bằng thi công cao tốc đã lập ngay Ban chỉ đạo GPMB. Lãnh đạo các phường, xã được đưa vào ban để trực tiếp thực hiện công tác.

Cùng với đó, thị xã thành lập hội đồng bồi thường tái định cư và tuyên truyền cho người dân về dự án. “Lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã luôn nhắc đến việc GPMB, chỉ đạo tuyên truyền để có sự đồng thuận trong người dân, tạo sự xuyên suốt, đồng bộ trong công tác GPMB”- ông Thư nói.

Dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang qua thị xã Ninh Hòa dài 29 km, ảnh hưởng đến 710 hộ dân. Đến nay, UBND thị xã đã phê duyệt kinh phí bồi thường cho 627 trường hợp tổng cộng 225 tỉ đồng. Cùng với đó, địa phương cũng phê duyệt cho 563 trường hợp được khen thưởng bàn giao mặt bằng sớm với gần 1,7 tỉ đồng.

Đứng trước thửa ruộng hơn 2.500 m2 đã bàn giao, ông Trần Văn Tình (60 tuổi, ngụ xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) nói gia đình ông được cấp thửa ruộng này từ năm 1981. Hơn 40 năm canh tác trên thửa ruộng này nhưng khi chính quyền có chủ trương, gia đình ông đã đồng thuận giao đất ngay.

Theo ông Tình, chính quyền đã không dưới năm lần họp dân để thông tin về dự án cao tốc. Người dân được giải đáp mọi thắc mắc về chính sách hỗ trợ, đền bù của dự án. “Mặc dù không vận động từng nhà nhưng qua những lần hội họp chính quyền đều đối thoại, giải thích cho người dân hiểu. Vì vậy, chúng tôi đều đồng lòng giao đất sớm cho chủ đầu tư”- ông Tình nói.

Ông Nguyễn Ngọc Châu trước thửa ruộng đã bàn giao. Ảnh: HH.

Ông Nguyễn Ngọc Châu trước thửa ruộng đã bàn giao. Ảnh: HH.

Còn ông Nguyễn Ngọc Châu (66 tuổi, ngụ ở thôn Gia Mỹ, xã Ninh Sơn) nói việc hưởng lợi từ dự án cao tốc thì hiện nay người dân chưa hình dung được. Dự án đi qua cũng xáo trộn đến cuộc sống. Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm quốc gia về lâu dài khi dự án hình thành giao thông sẽ thuận lợi hơn”- ông Châu nói và cho biết đã đồng ý bàn giao 3.500 m2 đất cho dự án ngay khi vừa có chủ trương.

Thuê đơn vị tư vấn để thẩm định giá đất cho người dân

Trao đổi với PV, ông Đào Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, cho biết để vận động người dân trong việc GPMB, ngay khi có chủ trương cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

Ông Hải nói việc đầu tiên để người dân đồng thuận là thông tin rõ ràng về dự án, các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. “Người dân có thắc mắc là chúng tôi giải đáp ngay. Xã cũng phối hợp với Trung tâm Quỹ đất thị xã niêm yết giá công khai để người dân trao đổi. Vì vậy, nhiều người dân đã bàn giao mặt bằng trước khi cả có phương án bồi thường”- ông Hải cho hay.

Để người dân tin tưởng giao đất, chính quyền xã Ninh Sơn đã rất sâu sát khi không áp giá theo kiểu “cào bằng” với cùng loại đất nông nghiệp. Cán bộ địa chính xã đã lập hồ sơ riêng đối với những hộ đầu tư trồng hành, tỏi và các loại cây trồng khác nhau.

Khu vực dự án cao tốc qua xã Ninh Sơn. Ảnh: HH.

Khu vực dự án cao tốc qua xã Ninh Sơn. Ảnh: HH.

“Các hộ trồng hành, tỏi có chi phí đầu tư đất cao nên chúng tôi lập hồ sơ riêng. Sau đó phối hợp với Trung tâm Quỹ đất thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đối với những thửa đất này để người dân không bị thiệt trong chính sách đền bù” – cán bộ địa chính xã Ninh Sơn nói.

Triển khai GPMB từ tháng 6-2022, đến nay xã Ninh Sơn không có đơn khiếu nại, khiếu kiện về giải phóng mặt bằng. Ông Đặng Quý Học (ngụ thôn 1, xã Ninh Sơn) cho biết rất băn khoăn khi bị thu hồi 4.200/4.800 m2 đất sản xuất của gia đình.

Tuy nhiên, sau khi nhận được hơn 630 triệu đồng bồi thường, hỗ trợ, gia đình đã đầu tư chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ổn định cuộc sống. “Ban đầu thì cũng băn khoăn không biết được bồi thường như thế nào. Nhưng người dân cũng rất phấn khởi khi có dự án cao tốc đi qua. Mình sẽ thay đổi các canh tác”- ông Học nói.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện đã bàn giao 74% mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án. Sở đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành sáu khu tái định cư để di dời người dân trong diện giải tỏa ổn định cuộc sống để bàn giao mặt bằng.

“Hiện nay còn lại các thửa đất của dân, tái định cư và di dời hạ tầng. Sở Giao thông vận tải đang đôn đốc để hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư trong quý II-2023”- ông Dần thông tin.

Đơn vị thi công đang triển khai dự án tại huyện Diên Khánh. Ảnh: HH.

Đơn vị thi công đang triển khai dự án tại huyện Diên Khánh. Ảnh: HH.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói những kết quả đạt được từ công tác GPMB của dự án là từ sự đồng thuận của người dân. Đồng thời có sự tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị.

“Cái quan trọng lớn nhất là ý thức của người dân đối với các công trình trọng điểm quốc gia. Người dân đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho sự phát triển giao thông, hạ tầng xã hội”- ông Tuân chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là tiền đề cho công tác GPMB các dự án trọng điểm sắp tới. Tuy nhiên, chính quyền cũng phải công khai minh bạch quy hoạch, phục vụ lợi ích chung và đảm bảo được quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đầu tư xây dựng bốn dự án đường bộ cao tốc là dự án Nha Trang – Cam Lâm và dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dự án Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Đến nay, dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đạt 100%; dự án Nha Trang – Cam Lâm đạt 99,5%, hiện đang hoàn tất các công việc còn lại để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án; dự án Vân Phong – Nha Trang đạt hơn 74%; dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đang bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm