Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH tổ chức trưng cầu ý dân

Ngày 15-8, thảo luận về quy định trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến pháp ghi nhận do vậy phải được Luật Tổ chức Quốc hội quy định.

Vì vậy, dự thảo luật đã thể chế hóa khoản 15 Điều 70 của Hiến pháp về các trường hợp Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân. Theo đó, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Riêng về cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật Trưng cầu ý dân quy định.

Về tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội để dần chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần rà soát lại các quy định để đảm bảo Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật và có những đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí hành chính công…

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đạo luật này vẫn chưa toát lên được những nội hàm trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng luật này ra đời phải góp phần chống tiêu cực tham nhũng. Do đó, ông Lưu cho rằng để ngăn chặn tình trạng “mặc cả với nhau” thì cần có quy trình trao đổi ngay trong quá trình kiểm toán chứ không phải kết thúc kiểm toán rồi đưa kết luận kiểm toán cho họ để phản hồi lại. “Thời gian phản hồi dài, dễ dẫn đến mặc cả, biến 10 còn 8. Cơ chế này dễ tạo ra sơ hở nên cần phải xem xét cho phù hợp” - ông Lưu chỉ rõ.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới