Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham quan Phòng truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Ảnh: Cổng thông tin Bộ GD- ĐT |
Trong dịp đến thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục ngày 4/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương những thành tích xuất sắc mà ngành giáo dục đạt được trong năm vừa qua.
Dẫn câu nói của Anh hùng Giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”, Chủ tịch nước nêu rõ hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo.
Bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản mà ngành giáo dục đã đề ra, Chủ tịch nước đề nghị ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành giáo dục cũng cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”, giáo dục nâng cao tri thức đi cùng với tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất…
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành giáo dục triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực. Sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài để hình thành đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nói trên.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã tham dự lễ cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam. Tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước khẳng định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam đi vào hoạt động những ngày đầu xuân mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những hình ảnh, hiện vật được giới thiệu tại phòng truyền thống cho thấy rõ nét truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống và nhân lên hơn nữa niềm tự hào của ngành, để thế hệ hôm nay tiếp bước thế hệ đi trước thực hiện thắng lợi sự nghiệp giáo dục, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với thế giới. Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam được đặt tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng được cấu trúc thành 2 phần. Phần A: Lược sử bao gồm: Nho học; Giáo dục thời thuộc Pháp 1958 - 1945; Giáo dục Việt Nam từ 1945 - 1975; Giáo dục Việt Nam 1976 - nay. Phần B: Chuyên đề bao gồm: Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ; Những tập thể và cá nhân tiêu biểu; Những cuộc cải cách giáo dục; Hội nhập quốc tế về Giáo dục và Đào tạo qua các giai đoạn; Vai trò của Giáo dục Việt Nam trong các tổ chức quốc tế; Hướng tới tương lai. |