Chủ tịch nước Tô Lâm: Có Tổng thống đã xuống chụp ảnh với cảnh vệ để động viên

(PLO)- Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết nhiều nguyên thủ, lãnh đạo khi đến Việt Nam đã tự do đi ăn phở, ăn bún hay ra công viên, ăn bánh mì… vì họ cảm nhận được sự an toàn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Làm công tác cảnh vệ không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân

Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay công tác cảnh vệ đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Chính vì vậy các lực lượng triển khai công tác này đã trưởng thành rất nhiều và đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch nước, làm công tác cảnh vệ không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân. Trong công tác cảnh vệ, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng được cảnh vệ là yêu cầu quan trọng nhất.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Có Tổng thống đã xuống chụp ảnh với cảnh vệ để động viên
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

Ngoài ra, công tác cảnh vệ còn có ý nghĩa về lễ tân nhà nước, đó là nghi thức quốc gia, không phải chỉ để bảo vệ thông thường mà có những cái là thể diện của quốc gia, thậm chí đây còn là tập tục quốc tế chung, phải thực hiện kể cả những yêu cầu đối ngoại.

“Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta phải đón rất nhiều các đoàn nguyên thủ từ nước ngoài sang thăm Việt Nam” - Chủ tịch nước nói và cho biết có những trường hợp chúng ta đã phải đàm phán với các bên để tìm tiếng nói chung.

Theo Chủ tịch nước, nhiều đoàn khách khi đến Việt Nam yêu cầu áp dụng theo nguyên tắc của họ, tuy nhiên theo nguyên tắc chung thì phải chấp hành, tuân thủ theo quy định của nước sở tại.

Chủ tịch nước khẳng định công tác cảnh vệ rất khó khăn, nhiều anh em phải làm việc, hoạt động suốt ngày đêm, thậm chí phải thức không được ngủ… “Các lãnh đạo thì luôn luôn không muốn phiền hà, rắc rối, muốn hòa nhập với nhân dân, hòa hợp với quần chúng, tiếp xúc với nhân dân nhưng nếu xảy ra chuyện sẽ rất nguy hiểm” – ông nhấn mạnh.

Dù vậy, Chủ tịch nước khẳng định trong công tác cảnh vệ chúng ta đã làm rất tốt, gần như không có sự cố. “Các anh em đã trưởng thành lên rất nhiều, các nước họ đánh giá rất cao lực lượng cảnh vệ của ta. Vừa rồi đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, họ cũng dành rất nhiều tình cảm. Tôi nhớ có Tổng thống khi kết thúc chuyến thăm, vừa lên đến nửa cầu thang máy bay thì tự nhiên ông lại chạy xuống, không biết là có chuyện gì, hoá ra là quên chưa chụp ảnh với anh em cảnh vệ, xuống chụp ảnh động viên” – Chủ tịch nước kể.

Cũng theo Chủ tịch nước, các nguyên thủ khi đến Việt Nam đã rất cảm phục mình vì được đảm bảo an toàn. Nhiều nguyên thủ, lãnh đạo khi đến Việt Nam đã tự do đi ăn phở, ăn bún hay ra công viên, ăn bánh mì, đi ra bờ hồ, đi cafe… vì rất an toàn. “Họ cảm nhận được an toàn thì mới đi và điều đó đã giúp nâng cao vị thế của đất nước ta” – ông nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Có Tổng thống đã xuống chụp ảnh với cảnh vệ để động viên
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: QH

Phải tạo thuận lợi cho các địa phương trong làm nhiệm vụ cảnh vệ

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác ở địa phương thì có rất nhiều lực lượng tham gia làm nhiệm vụ cảnh vệ.

Tuy nhiên, lực lượng cảnh vệ đúng với nghĩa của luật này lại chỉ có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Thực tế hiện nay, nhiều lực lượng ở địa phương, như công an tỉnh, công an huyện cũng tham gia theo yêu cầu của Bộ Công an khi có các đối tượng cần cảnh vệ.

Vậy chúng ta phải làm thế nào để không gây khó khăn cho địa phương? Đơn cử hiện nay khi một sự kiện có các lãnh đạo Đảng, nhà nước đến thì địa phương rất lo để làm sao vừa bảo đảm nội dung vừa bảo đảm an ninh, an toàn cho đoàn công tác.

“Tôi cho rằng Chính phủ nên quy định chi tiết còn Bộ Công an hướng dẫn cụ thể nội dung này” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.

Phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nói ông hoàn toàn tán thành, đồng tình cao với tờ trình dự thảo Luật cũng như báo cáo thẩm tra của Chính phủ về hai dự án luật nêu trên.

Góp ý cụ thể về Luật Cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết đối tượng của cảnh vệ chủ yếu là bảo vệ các yếu nhân, lãnh tụ. “Yếu nhân là con người thuộc đối tượng bảo vệ đặc biệt. Các sự kiện có yếu nhân, mục tiêu có yếu nhân... cũng phải được bảo vệ đặc biệt” – ông nói và nhìn nhận công tác này đặc biệt quan trọng.

Một số đại biểu cũng băn khoăn là khi nào áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp đặc biệt. Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết thực tế không chỉ nước ta mà ở các nước khác cũng đã áp dụng quy định này rất linh hoạt, nhất là trong đối ngoại, quan hệ quốc tế.

“Dĩ bất biến ở đây là các biện pháp cảnh vệ đã được cụ thể hóa trong luật và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Ứng vạn biến là căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể thì Bộ trưởng được quyền quyết định sử dụng một trong số các biện pháp đó” – đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) bày tỏ tán thành với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhằm phù hợp với quy định tại Kết luận 35 của Bộ Chính trị.

Góp ý thêm, ông Hoàng cho biết dự thảo luật bổ sung khoản 3 Điều 6 trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về lực lượng cũng như các chính sách của cảnh vệ. Tuy nhiên, theo ông nếu giao như vậy sẽ không bao quát được trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng lực lượng cảnh vệ.

“Đối chiếu với các quy định hiện nay thì không có điều nào giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này” – ông nói và cho rằng để đồng bộ, thông suốt thì tới đây sẽ phải điều chỉnh tất cả các luật khác của công an nhân dân, cảnh sát cơ động, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm