Ngày 6-9, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có buổi gặp gỡ khoảng 200 đại biểu đại diện cho các thế hệ chiến sĩ, tình nguyện viên các thời kỳ, gia đình nuôi tiêu biểu trong phong trào tình nguyện của thanh niên TP.HCM qua 30 năm (1994-2023).
Cùng dự buổi gặp mặt còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, thường trực một số tỉnh, thành ủy.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà cho các gia đình nuôi tiêu biểu. Ảnh: VÕ THƠ |
Thanh xuân 30 năm: Cho đi là còn mãi
Tham dự buổi gặp mặt, chị Bùi Thị Thúy Bắc (ngụ Bến Tre) cho biết nhờ tham gia tình nguyện đã giúp chị từ một cô sinh viên nhút nhát, không dám nói trước đám đông trở nên tự tin, trưởng thành hơn.
“Những ngày hè năm đó, chúng tôi đã đi dạy xóa mù chữ. Nhìn những người nông dân chưa bao giờ biết chữ, những chú đạp xích lô hay người bán vé số, người lượm ve chai mà viết được, đọc được, chúng tôi thật sự vỡ òa…” - chị Bắc nhớ lại.
|
Chị Bùi Thị Thúy Bắc chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: VÕ THƠ |
Cũng từ mùa hè năm đó, chị Bắc đã gặp được hạnh phúc của đời mình. Chồng chị cũng là cán bộ Đoàn xã tại huyện Chợ Lách (Bến Tre). Đến nay, chị Bắc luôn tự hào gọi gia đình mình là gia đình tình nguyện vì con gái chị cũng nhờ tham gia chương trình tình nguyện đã quen và cưới anh chiến sĩ Mùa hè xanh.
“Phong trào tình nguyện là nơi chúng tôi được cống hiến, chia sẻ và trải nghiệm. Khi cho đi sức trẻ, chúng ta cũng sẽ nhận lại được rất nhiều hạnh phúc và tình yêu” - chị Bắc chia sẻ.
“Phong trào tình nguyện là nơi chúng tôi được cống hiến, chia sẻ và trải nghiệm. Khi cho đi sức trẻ, chúng ta cũng sẽ nhận lại được rất nhiều hạnh phúc và tình yêu.”
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, nhớ lại những ngày đầu mùa hè năm 1994, ông “bon chen” theo chân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên chuyến xe tình nguyện đi về giúp đỡ các huyện của TP.
“Trong lúc tham gia các phong trào tình nguyện, tôi nhận thấy công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế từ cơ sở vật chất đến chuyên môn, có người rất lâu chưa được thăm khám về sức khỏe. Vì vậy, tôi nung nấu ý tưởng phục vụ cộng đồng, làm sao mang chuyên môn đến gần hơn nữa với người dân” - BS Khanh nhớ lại.
Từ đó, đội hình sinh viên y khoa mang y tế đến từng nhà dân, khám bệnh, phát thuốc từng mặt trận khi tham gia chiến dịch ra đời. Đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên, đến các chiến dịch tình nguyện tiếp theo, các trường đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo định hướng chuyên môn, đặc thù của từng ngành nghề.
|
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh: "Với tôi, cho đi là còn mãi!". Ảnh: Võ Thơ |
“Giờ đây, dù đang công tác ở một vị trí khác, công việc có bề bộn, khó khăn hơn nhiều nhưng nhiệt huyết tình nguyện vì cộng đồng như một phương châm để tôi hành động và tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết đó cho thế hệ sau, vì với tôi “cho đi là còn mãi”” - BS Khanh chia sẻ.
Cách đây 30 năm, lễ ra quân đầu tiên của chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè với 700 sinh viên tình nguyện đầu tiên của TP.HCM.
Từ năm 1997, chiến dịch đổi tên thành Mùa hè xanh, sau đó lần lượt ra đời chương trình Tiếp sức mùa thi, chiến dịch Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh và chương trình Gia sư áo xanh.
Cần tinh thần dấn thân, tình nguyện, tươi mới của người trẻ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM, nguyên Chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh giai đoạn 1999-2002, xúc động khi được gặp lại những gia đình nuôi tiêu biểu, các thế hệ chiến sĩ tình nguyện và ôn lại những kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Võ Thơ |
Theo ông Thưởng, phải để cho thanh niên “tắm mình” vào thực tiễn đời sống sinh động của xã hội thì thanh niên sẽ hiểu thêm về đất nước mình, sự nghiệp của nhân dân, của dân tộc. Khi đó, thanh niên sẽ có hành động đúng đắn với sự nghiệp mà Đảng và dân tộc đang theo đuổi và thực hiện.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra rằng việc xây dựng và phát triển TP.HCM trong giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới hơn, cao hơn. Trước yêu cầu này, thế hệ trẻ thanh niên TP cần suy nghĩ sẽ lựa chọn đóng góp cho TP như thế nào, bằng cách gì? “Điểm cốt yếu là cần một tinh thần dấn thân, tình nguyện, tươi mới của người trẻ. Bên cạnh đó, cần tiếp thêm sức mạnh từ sự hun đúc của nhiều thế hệ, sự quan tâm, dìu dắt của lãnh đạo và nhân dân TP” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Với kết quả của 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện, Chủ tịch nước mong muốn tuổi trẻ TP.HCM sẽ có nhiều phong trào, hoạt động mới để đóng góp, nhân rộng hơn cho phong trào thanh niên của cả nước như bao thế hệ trước đã thực hiện.
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: "Lãnh đạo TP luôn đặt kỳ vọng, hoàn toàn tin tưởng tuổi trẻ TP...". Ảnh: Võ Thơ |
Trước đó, phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển TP, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
“Lãnh đạo TP luôn đặt kỳ vọng, hoàn toàn tin tưởng tuổi trẻ TP sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của mình, tiếp nối tinh thần của các thế hệ đi trước, phát huy mạnh mẽ thành quả và kinh nghiệm thời gian qua để xây dựng những phong trào hoạt động cách mạng thiết thực hơn, mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn trong thời gian tới để viết tiếp trang sử hào hùng của tuổi trẻ TP” - Bí thư Nên gửi gắm.•
|
Những con số đáng nhớ của hành trình 30 năm chiến dịch tình nguyện hè TP.HCM |