Ngày 13-1, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Khen - chê rõ ràng
Phát biểu giao nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận để đạt được kết quả giải ngân đầu tư công 72% (tính đến hết tháng 1-2024), cán bộ TP đã làm việc không kể ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí làm xuyên đêm và tới đây có thể làm xuyên Tết đối với một số bộ phận.
Theo ông, số lượng dự án giai đoạn trung hạn 2021-2025 nhiều, nhiều dự án được chuyển tiếp từ các kỳ trước, gây mất thời gian điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ. Do đó các cơ quan, đơn vị cần nhận diện, tập trung thực hiện.
Trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng đây là mảng quan trọng nhất, mất nhiều công sức nhất. Vì thế, cần phối hợp tốt giữa các ngành, địa phương dưới sự chủ trì, chỉ đạo, điều phối của Thường trực UBND TP.
Đồng thời nhấn mạnh việc giám sát đơn vị thi công, giám sát tiến độ của chủ đầu tư, tăng cường số lượng và tập huấn cho lực lượng ban bồi thường các quận, huyện.
Thời gian tới, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Ban Thường vụ Thành uỷ tiếp tục phân công các uỷ viên phụ trách các dự án lớn.
Trên tinh thần khen, chê, góp ý cụ thể, ông đã nêu tên một số đơn vị thực hiện giải ngân đầu tư công tốt và đơn vị giải ngân thấp, chủ quan, thiếu sự chủ động.
Ông đề nghị TP.HCM phấn đấu quý I-2024 giải ngân 10-12% trên tổng số vốn gần 80.000 tỉ đồng. Từ đó, Chủ tịch TP.HCM đặt ra nhiều nhiệm vụ mà các cơ quan phải thực hiện ngay từ tháng 1, quý I-2024.
Cụ thể, phải tập trung chi tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân. “Tiền trả ra từ kho bạc là 97% rồi nhưng để đến tay người dân thì phải tập trung” – ông nói và đề nghị tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương, cơ quan thường trực, tổ công tác.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, từ tháng 1 này, chủ đầu tư phải rà soát toàn bộ dự án được phân công, lên kế hoạch giải ngân cho từng dự án; phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng. Đồng thời, quản lý nhà thầu, đánh giá năng lực để đề xuất biện pháp xử lý.
“Phải giải phóng mặt bằng ở đâu, diện tích bao nhiêu, vướng mắc chỗ nào, tháng 1 này phải xác định rõ” – Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương gửi danh mục này về tổ mặt bằng TP để theo dõi, tránh tình trạng chần chừ như quý I, quý II năm ngoái.
“Cố gắng đến ngày 30-6 phải xong mặt bằng, trừ dự án lớn, diện tích rộng, có đông đối tượng bị tác động; để sáu tháng cuối năm có mặt bằng triển khai” – ông tiếp.
Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị các cơ quan điều hành rút ngắn 30% thời gian xử lý thủ tục có liên quan; điều chuyển, giao vốn kịp thời. “Chủ đầu tư rà soát thấy khả năng vốn không được thì phải đề nghị điều chuyển, muốn vậy phải hoàn thiện hồ sơ, sẵn sàng tiếp nhận vốn”- Chủ tịch TP.HCM nói và đề nghị phân cấp, uỷ quyền về định giá, quy hoạch nhằm thúc đẩy dự án đầu tư công.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ siết chặt kỷ cương, ngay trong đánh giá cuối năm sẽ thực hiện “khen – chê” cho đúng và có văn bản cụ thể. Về việc này ông Mãi giao chủ tịch quận, huyện đưa đánh giá công tác giải ngân đầu tư vào xếp loại cuối năm.
“Có thể điều chuyển cho phù hợp vị trí hoặc xem xét xử lý trách nhiệm” – ông Mãi đề nghị.
Đã đầu tư nhiều dự án giao thông, chống ngập…
Báo cáo kết quả đầu tư công năm 2023, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng số vốn dự kiến giải ngân tới cuối tháng 1-2024 của TP có thể đạt 49.400 tỉ đồng, cao hơn 1,8 lần so với kết quả giải ngân năm 2022.
“Kết quả đạt được này có thể nói là tương đối tích cực so với năm 2022, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện công giải ngân vốn đầu tư công của các cấp chính quyền” – bà Mai nói.
Theo bà, kết quả giải ngân đầu tư công đã tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đáng chú ý, TP đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều trường học và bệnh viện với số phòng học và giường bệnh tăng thêm đáng kể, đáp ứng phần lớn nhu cầu cơ bản của người dân.
Nổi bật, TP đã hoàn thành và đưa vào sử cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), bờ tả sông Sài Gòn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm; bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Sang năm 2024, Sở KH&ĐT đề xuất UBND TP tổ chức thực hiện việc ký cam kết giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 95% trở lên theo mức vốn dự kiến giải ngân đối với từng đơn vị có sử dụng vốn đầu tư công năm 2024.