Chủ tịch Phan Văn Mãi mong nhận được góp ý để TP.HCM sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

(PLO)- Để thực hiện vai trò "đầu tàu kinh tế" thì TP.HCM cần các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, trong đó có cơ chế, chính sách quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (7-4), Đại học Quốc gia TP.HCM kết hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM.

Ban chủ trì phiên thảo luận của hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH

Ban chủ trì phiên thảo luận của hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH

Theo ban tổ chức, đối với TP.HCM, công tác quản lý đô thị và khai thác, sử dụng đất đai thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập dẫn đến tình trạng tài nguyên đất chưa sử dụng hiệu quả như mong đợi.

Cạnh đó, ngày 30-12-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định công tác quản lý đô thị, sử dụng đất đai ở TP.HCM còn nhiều hạn chế và yêu cầu chính quyền TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh đề án ban hành Nghị quyết mới cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội để quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Từ yêu cầu của thực tiễn đó, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội thảo này.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao và rất cảm ơn Đại học Quốc gia TP.HCM đã cùng tổ chức hội thảo này.

Theo ông Mãi, cần thừa nhận công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, sử dụng đất đai tuy có những điểm sáng nhưng cũng có nhiều bất cập, có những địa bàn có những bất ổn nhất định. Vì vậy, cần nhìn nhận lại để có những cơ chế, giải pháp trong quản lý đất đai.

Ông Phan Văn Mãi (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH.

Ông Phan Văn Mãi (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRẦN MINH.

Theo ông Mãi, với ý nghĩa, thực trạng và nhu cầu, UBND TP cùng các sở ban ngành mong muốn được lắng nghe các góp ý từ hội thảo, giúp cho TP nhận diện đúng vấn đề, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để TP phát triển nhanh nhưng bền vững.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng cơ sở lý luận chung về chuyển dịch đất đai trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất các kiến nghị về chuyển dịch đất đai trong dự thảo Luật Đất đai. Hội thảo cũng tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có các quy định về đất dành cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận và chuyển thành báo cáo khuyến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

PGS.TS Vũ Hải Quân (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM). Ảnh: TRẦN MINH

PGS.TS Vũ Hải Quân (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM). Ảnh: TRẦN MINH

Nói chính sách đột phá cho TP.HCM, theo ông Nguyễn Hồng Sơn (Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương), TP.HCM được xác định là “đầu tàu kinh tế” cho cả nước, đóng vai trò “làm anh”. Để thực hiện được vai trò này và phát huy được tiềm năng, lợi thế vượt trội thì TP cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, trong đó có cơ chế, chính sách quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai.

Chính vì vậy, hội thảo cần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP trong quản lý và sử dụng đất, nhất là trong chuyển dịch đất đai. Chẳng hạn như sự khác biệt của TP trong quản lý và sử dụng đất, nhất là trong chuyển dịch đất đai trong bối cảnh mới. Cạnh đó, những nội dung nào trong số những nội dung cụ thể nêu trên cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với TP. Chẳng hạn như cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai hay các vấn đề có liên quan đến thuế sử dụng đất...

Tại hội thảo, nhiều bài tham luận đã được trình bày về các vấn đề như cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua giao dịch dân sự, một số kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; chuyển dịch đất đai trong pháp luật một số quốc gia...

Kết thúc, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các hộ gia đình, cá nhân và dự thảo lần này đã nhận hơn 11 triệu ý kiến góp ý...

PGS.TS Quân cũng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo TP, các ban ngành, tác giả các bài tham luận, các vị đại biểu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm