Chủ tịch Phan Văn Mãi nói đến 6 dự án giao thông kết nối TP.HCM với ĐBSCL

(PLO)- Tại hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nêu ra 6 dự án giao thông kết nối TP.HCM với ĐBSCL.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, tại TP Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025.

Chủ tịch Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024
Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

TP xác định được nhiều và có trách nhiệm nhiều hơn

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình triển khai thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh thành trong hơn một năm qua. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành và doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến đánh giá cụ thể về những kết quả hợp tác trong hơn một năm qua với TP.HCM và nêu các kiến nghị, đề xuất cụ thể trong nhiều lĩnh vực hợp tác.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định “trong mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và các vùng nói chung, trong đó có vùng ĐBSCL, TP xác định mình được nhiều và có trách nhiệm nhiều hơn”.

phan-van-mai-1.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, qua hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL chặt chẽ hơn, trọng tâm hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, vì sự phát triển chung của toàn vùng và đóng góp cho sự phát triển của cả nước.

Ông Mãi mong muốn tiếp tục thực hiện quan điểm TP.HCM không hợp tác đơn lẻ từng địa phương mà hợp tác theo vùng, trong đó có nội dung liên quan đặc thù từng địa phương, để tất cả cùng có sức mạnh lớn hơn.

Từ phát biểu của lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi đánh giá “chúng ta đã nhìn thấy vấn đề”, đã xác định được các trọng tâm lớn nhưng để cụ thể hóa thực hiện các nội dung này thì cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Các ý kiến cho rằng đưa khoa học công nghệ vào, đưa chuyển đổi số vào, kết nối du lịch… Gọi tên lĩnh vực đúng rồi nhưng cụ thể công việc hơn nữa.

“Chúng ta phải xác định với nhau, đồng tâm là đã đồng tâm rồi, quyết tâm luôn, nhưng phải có đầu mối cụ thể, phải nêu vấn đề cụ thể, phải trao đổi, thống nhất rồi cùng nhau hành động để có kết quả. Và chúng ta có một kênh để trao đổi, thông tin” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Kết nối hạ tầng trước

Công việc từ đây đến cuối năm 2025, ông Phan Văn Mãi cho rằng, “hợp tác kết nối thì phải nói kết nối hạ tầng trước, mặc dù rất tốn kém nhưng chúng ta phải làm cơ bản trước”.

Theo đó, ông cho biết có mấy nhiệm vụ phải tập trung, đó là cùng với Bộ GTVT hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy mở rộng cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận.

Kế đến là mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50B và nghiên cứu để triển khai hai đường quan trọng là đường ven biển và đường biên giới. "Cái này TP.HCM xác định là TP.HCM sẽ chủ trì công tác nghiên cứu này, mời các tỉnh, thành ĐBSCL tham gia" - Chủ tịch TP.HCM nói.

Đồng thời, cùng với Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện pháp lý đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, cố gắng khởi công đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trước năm 2030.

phan-van-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ hai từ trái qua) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc thù của địa phương bên lề hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

“Trong năm sau chúng ta cố gắng cùng với nhau để khởi động lại một số hạng mục quan trọng của giao thông đường thủy TP.HCM – ĐBSCL, nếu được, chúng ta sẽ nghiên cứu để đẩy mạnh kết nối sang Campuchia. Chỗ này tôi thấy trước mắt chúng ta phát huy hai nội dung là phục vụ du lịch đường thủy và thứ hai là một số dịch vụ logistic, kết nối các trung tâm sơ chế ở ĐBSCL về các trung tâm tinh chế ở TP.HCM và ra cửa khẩu xuất khẩu” – ông Phan Văn Mãi nói.

Về giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, Chủ tịch TP.HCM chia sẻ câu chuyện kết nối của TP.HCM với các địa phương và cho rằng “các tỉnh phải ngồi lại với nhau và phải coi chuyện của tỉnh kế bên giống như chuyện của mình thì mới ra được”.

Sẽ có không gian ĐBSCL tại TP.HCM

Về hợp tác đẩy mạnh phát triển du lịch, ông Phan Văn Mãi cho rằng “TP.HCM còn nợ ĐBSCL một chút xíu” và mong cùng ngồi lại để coi xem khi khách nước ngoài tới TP.HCM thì giữ chân họ được mấy ngày, ở TP.HCM mấy ngày và đi ĐBSCL mấy ngày; tour tuyến, sản phẩm du lịch như thế nào để cùng phối hợp, làm sao để mỗi tháng có một sự kiện lễ hội nào đó để du khách có thể tới…

Trong đó, sự kiện "trên bến dưới thuyền" sắp tới tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi nói vẫn mong muốn có một bước cải thiện nữa để làm sao sự xuất hiện của các địa phương ĐBSCL tại sự kiện này phải thật sự nổi bật.

“Sự hiện diện của trên bến dưới thuyền không chỉ là mua bán những sản vật cụ thể mà đó là sự trao đổi, đóng góp của ĐBSCL cho đời sống vật chất và tinh thần, cho sự phát triển của TP.HCM và ngược lại” – Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.

Ngoài ra, ông Mãi cũng nói về sự hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục; kết nối cung cầu thương mại đầu tư. Trong đó, ông cho biết, TP.HCM sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp của TP.HCM đầu tư về ĐBSCL trên lĩnh vực chế biến. Cạnh đó, sẽ có không gian ĐBSCL tại TP.HCM trong từng đợt hoặc có một không gian cố định cho những sản phẩm OCOP hoặc sự kiện tuần lễ ĐBSCL tại TP.HCM…

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng ghi nhận ba kiến nghị đối với trung ương liên quan đến vùng đó là biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển hạ tầng vùng và vấn đề cụ thể của vùng là cát.

Khu vực kinh tế phát triển, có tính liên kết ngày càng cao

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đã tạo nên một khu vực kinh tế phát triển, có tính liên kết ngày càng cao và chặt chẽ, hiện đóng góp khoảng 30% GDP cả nước và đang trở thành một trong những hình mẫu về phát triển kinh tế vùng.

thu-truong-bo-khdt.jpg
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Theo đó, Bộ KH&ĐT đánh giá cao sáng kiến và sự chủ động của TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận này.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra 10 đề xuất cho các địa phương. Trong đó, bà cho rằng cần phải khẳng định xuyên suốt TP.HCM đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt và kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL để trở thành một địa phương phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững.

Theo bà Ngọc, TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn có vai trò rất nặng nề trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của các địa phương cùng ĐBSCL, để tạo nên một vùng liên kết mạnh mẽ.

Các đề xuất tiếp theo Thứ trưởng Ngọc nêu ra như, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của TP.HCM là một trung tâm tài chính và đổi mới sáng tạo; Phát triển nền kinh tế xanh và bền vững; Xây dựng kết nối hạ tầng liên vùng; Phát triển thương mại và đầu tư liên vùng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm