Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lần đầu tiên đã đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề nóng về BOT.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc phát triển hạ tầng giao thông chưa đồng bộ giữa các vùng miền. Đồng thời, sự phát triển chưa đồng bộ giữa các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4-6-2018.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng khẳng định chủ trương phát triển BOT là đúng khi ngân sách hạn chế, nợ công tăng cao. Tuy nhiên, ông Thể thừa nhận vấn đề BOT còn nhiều bất cập, hạn chế.
Ông Thể cũng cho biết đang cùng với nhiều bộ, ngành rà soát và trình Chính phủ đổi tên “trạm thu giá BOT” với một tên mới nhưng phù hợp với quy định pháp luật. Người đứng đầu ngành giao thông cũng cám ơn dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội quan tâm và khẳng định trong thời gian sớm nhất sẽ báo cáo Chính phủ phù hợp với thực tiễn.
Ông Thể cũng thay mặt các cán bộ và nguyên cán bộ ngành giao thông nói: "Chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng giao thông tốt hơn trong thời gian tới".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Về phát biểu của ngành giao thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Bộ trưởng Thể đã rất thẳng thắn. Tuy nhiên, về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ GTVT không cần báo cáo Chính phủ mà Bộ tự quyết được bằng cách quay lại tên gọi “trạm thu phí BOT”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chênh lệch năm thu phí giữa hợp đồng BOT và kết quả Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. Theo đó, thời gian qua ngành tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng BOT. Trong đó, có dự phòng khối lượng, trượt giá, các vấn đề phát sinh kinh phí… Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước vào cuộc trước khi đơn vị quyết toán dự án.
Đến nay Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 50 dự án, còn 60 dự án đang triển khai. Trong hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư. Theo một điều khoản trong hợp đồng, giá trị sau quyết toán sẽ làm căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí nên việc Kiểm toán Nhà nước chênh lệch số năm là dễ hiểu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh qua so sánh, số lượng quyết toán của Bộ GTVT tương đương với kết quả của Kiểm toán Nhà nước, thậm chí có dự án thấp hơn số liệu Kiểm toán Nhà nước. “Bộ GTVT đang thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi của người dân đối với dự án BOT” - ông Thể khẳng định và cho rằng đang rà soát để tiếp tục giảm phí cho người dân và đứng trên quan điểm Nhà nước và nhân dân…