Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng 4-6, đại biểu Quốc hội (QH) Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: PPP và BOT nói riêng thể chế có vấn đề, có việc lợi dụng chính sách dẫn đến bất cập, tranh chấp và bức xúc của dân. Lợi ích căn bản của ba bên là người dân - nhà đầu tư - Nhà nước… chưa được giải quyết. Giải pháp của bộ trưởng là gì?
Đại biểu Lân Hiếu cũng đặt vấn đề: BOT đi theo diện mở rộng quốc lộ, thu phí một nơi, làm một nơi là tuân theo quy hoạch nào của Bộ, ai chịu trách nhiệm?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: Thể chế là chưa hoàn chỉnh, chưa có các luật… Một số biểu hiện sai phạm trong thực hiện các dự án BOT đã được chỉ ra, chúng tôi đang khắc phục triệt để. Trường hợp lợi dụng chủ trương thì Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc xử lý nghiêm.
Bộ GTVT quán triệt là phải làm nghiêm túc, có cái tâm để phục vụ Đảng, Nhà nước. Nếu có cán bộ sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Việc tranh chấp hợp đồng cũng dẫn đến các nhà đầu tư tâm tư. Tranh chấp về một số việc liên quan đến bồi thường, tái định cư… tuy nhiên, công trình dự án thì không thể tránh được một số bất cập vì pháp luật chưa hoàn thiện. Chúng tôi sẽ quan tâm đến các dự án BOT có vấn đề.
Về lâu dài, thực hiện nghiêm các nghị quyết của QH, 10 dự án phê duyệt rồi, bốn dự án BOT đã bị dừng, tổng cộng là 14.
Về các trạm thu phí BOT đã báo cáo đầy đủ. Chúng tôi thực hiện xử lý trạm này trên cơ sở toàn diện. Khi ứng xử thì còn liên quan tới nhiều mặt...
Đại biểu Hoàng Quang Hàm tranh luận: Lợi ích của người dân ở đâu? 17 dự án đặt sai vị trí, ba dự án không đi vẫn phải trả tiền, sáu dự án không đi đường tránh mà vẫn phải trả tiền. Trả lời của bộ trưởng chỉ thấy là dân chịu thì thu, dân không chịu thì giảm giá?
Bộ trưởng Thể trả lời: Ba dự án nằm ngoài phạm vi ấy, một số dự án là lịch sử để lại. Triển khai lâu rồi và khi chuyển thì chúng tôi báo cáo Chính phủ và năm 2014 thì Thủ tướng có một văn bản chỉ đạo tiếp tục thu phí. Với trách nhiệm của mình thì thực hiện đúng chỉ đạo. Khi đưa vào dự án, có sự tham gia của các địa phương và các bộ, ngành… thì xem như chỗ đó là hợp lý, vì nằm trong dự án. Nhưng giờ nếu di dời thì phải tham mưu QH, Chính phủ và phải có kinh phí. Nếu QH quyết thì sẽ mua toàn bộ các dự án.
Chúng tôi cố gắng giảm chi phí ở các trạm BOT đến mức thấp nhất.
Đại biểu Hàm tranh luận tiếp: Trước làm người dân có biết đâu, sao dân phải chịu? Phải xem lại, chúng ta có thương thảo với các nhà đầu tư giảm lợi nhuận, ngân hàng giảm lãi suất chưa? Vòng đời 24 năm thì sao? Giờ vỡ lở ra thì mới thế này? Tôi thấy không thuyết phục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bình Dương tiếp: Có phải do nhà đầu tư có thể kiện lại Bộ GTVT nên Bộ cứ vá ổ gà, giảm giá, giảm cước, kéo dài thời gian thu phí? Tư duy này không thể chấp nhận được!