Báo cáo tổng kết nghe có vẻ “xuất sắc quá, nghe kêu quá”? Với những việc đã làm được và chưa làm được, liệu đã có thể yên tâm bắt tay nhau là đã hoàn thành nhiệm vụ? Đây là những trăn trở của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH chiều 23-2, góp ý cho dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH và Ủy ban Thường vụ khóa XIII.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH khóa XIII nghe “kêu quá”. ẢNH: T.PHÚ
Tham nhũng chưa được đẩy lùi, có phần trách nhiệm của QH
Ông Hùng cho rằng dự thảo còn dài và đọc “chán lắm”. Bài học, rút kinh nghiệm còn chung chung. Những kiến nghị cho khóa tới chưa có gì đột phá, tầm cỡ.
Theo ông Hùng, bên cạnh những nét đổi mới, cần thấy rằng tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng chưa được đẩy lùi, hiệu quả, hiệu lực của pháp luật còn chưa cao, vận hành bộ máy hành pháp, tư pháp chưa trơn tru… thì đều có phần trách nhiệm, khuyết điểm của QH.
Với tinh thần ấy, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, phần trình bày trước QH có thể ngắn, gọn nhưng cần súc tích. Báo cáo phải có khí thế, có phê phán, đề xuất.
Chẳng hạn, nét mới ở nhiệm kỳ QH này là lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Nhưng bên cạnh đó cũng cần thấy một mặt khác là QH vẫn chưa thực thi được quyền “bỏ phiếu tín nhiệm” theo hiến định - mà bản chất là lấy phiếu bất tín nhiệm, có thể dẫn tới bãi nhiệm với con người cụ thể. Tương tự như vậy, QH đã miễn nhiệm với hai đại biểu QH mà lẽ ra theo hiến định có thể là quyền của cử tri trực tiếp bỏ phiếu bãi nhiệm với đại biểu do mình bầu ra.
“Những việc ấy ta phải nói cho đủ. Đã có những việc ngấp nghé làm rồi thôi, vì chưa đủ chín…” - ông Hùng góp ý.
Đi vào vấn đề riêng, nhạy cảm
Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng có một số đánh giá trong dự thảo là “nặng quá”. Chẳng hạn, dự thảo cho rằng trong công tác xây dựng pháp luật còn có những quy định chồng chéo khiến cho hiệu quả của luật được ban hành chưa cao. Rồi giám sát chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ thể, hiệu quả giám sát chưa cao…
“Thực ra chúng ta đã làm nhiều và có hiệu quả. Chẳng hạn, nhiệm kỳ này, các phiên giải trình được Hội đồng Dân tộc và các ủy ban triển khai mạnh mẽ. Riêng Ủy ban Kinh tế làm ba phiên, tạo chuyển biến tốt. Mặc dù hiệu lực không cao như chất vấn, trả lời chất vấn nhưng các bộ trưởng được yêu cầu giải trình đều cảm thấy gần gũi, trách nhiệm. Vấn đề gì giải quyết được là hứa và làm ngay. Các cuộc giám sát cũng vậy, đôi bên giám sát, bị giám sát bàn bạc, thảo luận rất kỹ, thống nhất cao” - ông Giàu phát biểu.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng cho rằng nhiệm kỳ qua, QH đã đi vào những vấn đề mà lâu nay gần như là khu vực riêng, nhạy cảm. Chẳng hạn, lần đầu tiên các cơ quan tư pháp, công an đã phải báo cáo chuyên đề, rồi giải trình các vấn đề liên quan tới tư pháp. Trên cơ sở đó, QH lần đầu tiên có nghị quyết về công tác tư pháp, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, vấn đề oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự cũng được Ủy ban Thường vụ QH giám sát và ra kết luận, tạo áp lực cho các cơ quan tố tụng hoàn thiện chính mình.
Tổng hợp ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH để có một báo cáo cô đọng nhất, kèm theo với bản báo cáo chi tiết về công tác cả nhiệm kỳ của QH và cơ quan thường trực. Đây sẽ là một nội dung quan trọng của kỳ họp QH tháng 3 tới mà nội dung chủ yếu là tổng kết.
“Thủ tục hành chính cay độc, hành dân” Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy tại phiên làm việc sáng qua 23-2 của Ủy ban Thường vụ QH khi cho ý kiến về một số nội dung của Luật Dược (sửa đổi). Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án Luật Dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho hay có nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo là cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn năm năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định cấp một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn năm năm khi mà cải cách hành chính có tiến bộ. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề năm năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính (TTHC), chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay” - bà Mai nói. Nhất trí với nhận định trên, chủ tịch QH nhấn mạnh: “Cần phải rút bớt TTHC. TTHC của mình cay độc lắm, quá nhiều TTHC gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa!” - chủ tịch QH nói. Ông lấy ví dụ về quy định năm năm phải cấp lại giấy chứng chỉ hành nghề dược quy định trong dự thảo luật và cho rằng điều này là không cần thiết. Theo ông, ngành kinh doanh thuốc cũng là một ngành kinh doanh vì thế không nên có nhiều thủ tục cản trở quyền đó mà chỉ cần những quy định chặt chẽ để chống lại việc sản xuất, buôn bán thuốc giả. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo trình ra QH hai phương án cấp năm năm/lần và cấp một lần kèm hậu kiểm để QH quyết định, trong đó phải đặc biệt quan tâm giảm bớt thủ tục nhiêu khê khi cấp phép, không để người dân phàn nàn. TRỌNG PHÚ |