Trước đó, năm học 2012-2013, Tây Ninh chỉ có duy nhất một trường học là trường Tiểu học Ngô Quyền được tài trợ thực hiện mô hình này. Đến năm học 2014-2015, có thêm 19 trường học được Sở triển khai thực hiện (19 trường này nằm ngoài dự án, không có tài trợ).
Cách gọi không quan trọng
Cô Võ Thị Bé, hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Bến Cầu, chia sẻ: “Năm ngoài, khi trường tôi mới áp dụng mô hình trường học mới, phụ huynh rất hoang mang vì thấy lạ lẫm quá. Nhiều người không hiểu Chủ tịch đội đồng tự quản là gì, các em cũng rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chỉ qua một vài tháng, các em đã làm quen với cách học mới và rất thích thú. Em nào cũng được đảm nhiệm một vai trò nào đó trong lớp. Còn mô hình cũ chỉ có lớp trưởng, lớp phó và các tổ trưởng thôi. Cuối năm, phụ huynh đều đã đồng tình, ủng hộ mô hình trường học mới”.
Bà Mai Thị Lệ, phó giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh tại cuộc họp
Theo ông Ngô Văn Hiền, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, mô hình VNEN được thực hiện tại Châu Thành mới được một năm, còn quá sớm để đánh giá hết về hiệu quả. Nhưng điều dễ thấy nhất là học sinh chủ động hơn, không gian học tập rất thân thiện. Ông Hiền nói: “Về cách gọi chủ tịch, tôi thấy không vấn đề gì. Mấy trường làm lâu năm hơn đã được phụ huynh ủng hộ rồi. Trường nào mới thì phụ huynh thấy lo lắng thôi. Tôi nghĩ cứ giữ nguyên từ chủ tịch cũng hay, để khi lớn lên các em nhớ rằng chủ tịch không là gì ghê gớm”.
Thầy Võ Quang Truyền, hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn A Hòa Thành, nói: “Cái rõ nhất thấy ở các em là sự năng động. Còn tên gọi lớp trưởng hay chủ tịch thì cũng vậy thôi. Trước đây khi chưa có mô hình này, tôi đã cho các em bầu lớp trưởng xoay vòng rất dân chủ. Vì vậy khi tổ chức theo mô hình này, các em không bỡ ngỡ ”.
Giáo viên phải năng động hơn
Thầy Lê văn Hoàng, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn A Dương Minh Châu, khẳng định những ưu điểm của mô hình trường học VNEN là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, nhà trường áp dụng mô hình này sẽ không thành công nếu giáo viên không tích cực đổi mới. Thầy Hoàng nói: “Nếu giáo viên không nhiệt tình, ít theo dõi, để các nhóm tự tổ chức học với nhau thì hiệu quả sẽ không đạt được”.
Một giáo viên đồng tình ý kiến này và cho rằng nếu làm đúng theo mô hình này sẽ rất hay nhưng thực tế có giáo viên lên lớp rồi để các em tự làm với nhau, nói các em cứ tự làm đi, như vậy là không đúng phương pháp.
Một lớp học theo mô hình VNEN. Ảnh minh họa
Thầy Phạm Văn Thành, trường tiểu học Bến Đình, cho rằng lúc mới triển khai rất bỡ ngỡ, nhiều giáo viên cũng lo lắng. Tuy nhiên, đi qua một năm mọi thứ đã vào nền nếp. Điều khó khăn lớn nhất trường gặp phải là về kinh phí. Phụ huynh ban đầu khi được vận động đóng góp để mua bàn ghế, trang trí góc học tập cho các em thì đồng ý nhưng sau đó nhiều người lại không tham gia nên nhà trường phải tự xoay sở.
Bà Mai Thị Lệ, phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhận định mô hình này với những trường mới triển khai sẽ gặp khó khăn ở học kỳ đầu tiên, nhưng từ học kỳ tiếp theo trở đi sẽ ổn. Sở cho phép các trường dành hẳn hai tuần đầu tiên chỉ để giúp các em học sinh lớp hai (không áp dụng cho lớp Một) làm quen với mô hình học tập mới. Bà Lệ nói: “Cách đây mấy năm, khi trường tiểu học Ngô Quyền bắt đầu thực hiện theo mô hình này tôi cũng lo lắm. Nhưng bây giờ thì giáo viên rất yên tâm. Phụ huynh rất thích. Giáo viên nào chưa nhiệt tình, hiệu trưởng phải giúp giáo viên đó thực hiện vai trò của mình. Còn về tên gọi Chủ tịch hội đồng tự quản, ở những trường đã thực hiện lâu mọi người đã thấy bình thường”.