Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu đến bạn đọc những ý kiến, góc nhìn khác về hình ảnh “chủ tịch trẻ con” đến từ các chuyên gia nghiên cứu giáo dục, những nhà giáo trong đó có cả những giáo viên trực tiếp tham gia Dự án trường học mới VNEN, nơi đang thực hiện mô hình lớp học có Hội đồng tự quản, có Chủ tịch, các phó chủ tịch và các trưởng ban.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Đổi mới giáo dục, rốt cuộc chúng ta quan tâm “vỏ” hay “ruột”?
Tôi đã đọc hết dự thảo Điều lệ mới, lẫn Điều lệ cũ và tôi thấy Dự thảo Điều lệ mới có nhiều thứ đáng hoan nghênh, nếu làm được. Tôi có thể điểm vài điều:
Thứ nhất, bổ sung thêm cách thức tổ chức quản lý lớp bằng hội đồng tự quản HS với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký...bên cạnh cách thức tổ chức lớp bằng ban cán sự với các chức danh lớp trưởng, lớp phó...Thực chất mô hình hội đồng tự quản đã thực hiện 3 năm nay ở các nơi triển khai mô hình trường học mới - VNEN. Đánh giá chung là khá ổn. Vấn đề nếu có không nằm ở cái tên chức danh mà nằm ở cách giáo viên tiến hành việc bầu cử, tổ chức và hỗ trợ HS điều hành các hội đồng này như thế nào kìa. Giáo viên không công bằng, chỉ định đại, không giải thích rõ nhiệm vụ các chức danh, không bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho HS...mới khiến trẻ nhận thức sai lầm về chức vụ, quyền hạn chứ tôi tin, nếu GV thực sự hiểu giá trị của mô hình này thì ko cần phải lăn tăn về 'bệnh tham quyền' của trẻ. Ngay mô hình Ban cán sự với chức danh lớp trưởng, GV cứ 'nhè' những em có ba mẹ đóng góp sổ vàng nhiều rồi cho làm lớp trưởng, lớp phó, rồi GV giao quyền cho lớp trưởng được ghi tội bạn, khẻ tay bạn...thì cũng cổ vũ 'bệnh lạm quyền' và 'tham quyền' của trẻ, chả cứ gì đến 'Hội đồng tự quản' với lại chủ tịch.
Ý kiến riêng của tôi, có thể thay bằng tên 'Ban tự quản' cho nó nhẹ nhàng, ít vị trí thôi cho đỡ cồng kềnh, luân phiên 1 tháng/ lần, mà cỡ lớp 2 hãy bắt đầu.
Thứ hai, một lớp có 35 HS. Cái này cần được thực hiện rốt ráo. Điều lệ cũ cũng có nhưng dường như “để cho vui” chứ tới nay, vô vàn trường 40-50 HS/ lớp, GV không có đãi ngộ gì khi dạy lớp đông. Vậy bây giờ Bộ có quyết sách gì không? Tăng phụ cấp? Tuyển trợ giảng
Thứ ba, Hiệu trưởng không được ngồi tại vị quá hai nhiệm kỳ. Điều này cũng đã có quy định nhưng không thực hiện nghiêm. Nhiều hiệu trưởng 'cố vị' tới hơn chục năm. Không thấy điều lệ 'mở ngoặc đơn' cho những trường hợp đặc biệt này.
Thứ tư, nhà trường được tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình kế hoạch các hoạt động giáo dục. Thực sự, từ 'tự chủ' rất quý giá, rất đáng hoan nghênh, nhưng tự chủ tới đâu? Có nên nói cụ thể hơn trong điều lệ hay cần có thông tư hướng dẫn thì Bộ cũng nên tính cho kỹ lưỡng.
Thứ năm, phần sách giáo khoa trong dự thảo Điều lệ tôi lại không thấy có sự thay đổi gì ngoài việc bắt các trường 'chịu trách nhiệm' tài liệu tham khảo. Vậy sao không quy định luôn các trường 'chịu trách nhiệm lựa chọn sách GK và tài liệu tham khảo' theo các tiêu chuẩn đã được ban hành của Bộ hoặc đã qua thẩm định của Bộ cho đúng với tinh thần của Đề án đổi mới GD đã được phê duyệt?
Thứ sáu, việc Bộ thay 'hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp” bằng 'hoạt động giáo dục trải nghiệm', phải nói là rất ý nghĩa. Tôi chỉ mong các trường chú ý ý nghĩa của từ 'trải nghiệm' để HS được tham gia và tiến hành các hoạt động đa dạng, tích luỹ các kinh nghiệm sống phong phú chứ không phải chỉ là những giờ học các môn trên lớp.
Thứ bảy, đã giảm bớt sổ sách cho GV nhưng Sổ sách của GV tôi nghĩ chỉ cần giáo án, sổ chủ nhiệm (nếu là giáo viên chủ nhiệm, ghi rõ sổ giấy hoặc sổ điện tử) còn sổ chuyên môn không nên bắt buộc, đó là ý thức tự giác của mỗi GV.
Thứ tám, bổ sung quyền HS 'được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình', ' được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh'. Những quy định này thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của HS. Đây là những tư tưởng rất mới trong Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến.
Đổi mới giáo dục, rốt cuộc chúng ta quan tâm đến “vỏ” hay “ruột”? Chúng ta mải mê tranh luận lớp trưởng hay chủ tịch mà quên mất rằng bản Dự thảo Điều lệ này còn rất nhiều đều phải bàn luận. Tôi thiết nghị, điều cần hỏi là Bộ đã chuẩn bị những gì để các chính sách này được thực thi có hiệu quả?
Và điều cuối cùng, tôi đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến của Dự thảo nên dài hơn. Bộ chỉ cho phép trong vòng 15 ngày trong khi đây đang là thời gian nghỉ hè thì liệu có tập hợp được các giáo viên, một đối tượng không thể thiếu để lấy ý kiến giáo viên?
Cô Lê Hoàng Phương, giáo viên tiểu học ở huyện Củ Chi, TP.HCM
Học sinh hoạt động nhóm theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Tân Thông, Củ Chi
To tát hay không là do cách truyền đạt của giáo viên
Trường tôi đã áp dụng dạy mô hình trường tiểu học mới từ hơn ba năm nay nên cả cô và trò đều đã quen với các tên gọi trong lớp như chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, phó ban.... Nghe qua, ai cũng thấy những từ ngữ đó sao to tát, không giống trong lớp học nhưng thực ra với các em lại rất bình thường vì nhiệm vụ của các em được bầu vào những chức danh đó không gì khác cả, chỉ là hỗ trợ cô giáo dặn dò lớp, theo dõi, nhắc nhở và giúp đỡ các bạn. Người lớn đừng liên hệ những khái niệm đó với các tổ chức ngoài xã hội để thấy ghê gớm. Thực ra, to tát hay không là do cách giáo viên truyền đạt, giải thích đến các em như thế nào để các em hiểu nhiệm vụ của mình là những gì, hội đồng đó là gì.
Ở lớp tôi, một năm sẽ có ba lần luân phiên những vị trí này cho các bạn trong lớp, nhiều em như thế lại rất tự tin, mạnh dạn đề cử hoặc tự ứng cử vì nhiều lí do rất trẻ con như giọng bạn ấy nói hay, bạn ấy hay giúp đỡ bạn yếu, bạn ấy hay cười nói.... Vì thế có năm dù ba lần luân phiên nhưng rồi cũng chỉ một em được bầu làm chủ tịch, cả lớp vỗ tay rần rần. Rồi có khi tự nhiên có em đứng lên xin cô thôi làm chủ tịch vì bạn này không nghe lời, vì em chưa ngoan...
Thật ra giữ các từ như lớp trưởng, lớp phó cũng được vì vai trò là như nhau nhưng đã đổi mới theo mô hình này thì tôi nghĩ phải thay đổi tất cả mới phù hợp. Cả cô lẫn trò đều thấy mới mẻ thì sẽ thích thú hơn. Quan trọng là các em rất hồn nhiên, tự tin, vẫn hiểu theo những gì thầy cô nói và theo lứa tuổi chứ không liên quan từ ngữ đó là gì.
Nhà báo Hồng Minh:
Chủ tịch thì đã sao?
Từ kinh nghiệm của tôi qua những năm theo dõi mô hình trường học VNEN, tôi thấy phần lớn chỉ trích chỉ mới dựa trên câu chữ chứ chưa tìm hiểu thực tế mô hình này. Tôi thấy ở những trường học thí điểm mô hình này, từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh trưởng thành rất nhanh. Các em có hai điều mà học sinh mô hình cũ chưa có được (hoặc có một cách hạn chế): tư duy độc lập, sáng tạo và tinh thần dân chủ.
Tư duy độc lập, sáng tạo: Thầy cô không rót kiến thức cho các em tiếp nhận thụ động. Thầy cô chỉ đóng vai trò gợi mở, quan sát và đánh giá, các em sẽ tự chiếm lĩnh kiến thức theo cách của mình. Các em cũng sẽ học được cách làm việc theo nhóm để hoàn thành chủ đề bài học đưa ra. Điều này còn thúc đẩy các em tìm hiểu mở rộng chủ đề bài học qua sách báo, ti vi, internet. Vì thế khi trò chuyện, những đứa trẻ bày tỏ bản sắc của chúng một cách đáng ngạc nhiên. Các em đã học được cách tôn trọng sự khác biệt của người khác và phát huy sự sáng tạo của bản thân. Điều này thật tuyệt vời.
Tinh thần dân chủ: Có lẽ với người lớn, chủ tịch là có quyền lực ghê lắm nên mới nói trẻ con làm chủ tịch không được, không hợp, sẽ lạm quyền, sẽ mất ấu thơ... Các em tự ứng cử, thành viên lớp sẽ bầu cử bằng phiếu kín hoặc giơ tay. Nếu có nhiều “đối thủ” cùng tranh cử, phần vận động bỏ phiếu mới thiệt là vui. Nhóc A kêu gọi mấy bạn bỏ phiếu cho mình, mình sẽ giúp lớp mình có góc học tập thiệt đẹp, sẽ tổ chức câu lạc bộ này kia. Nhóc B kêu gọi bỏ phiếu cho mình, mình sẽ không để bạn nào trong lớp bị bắt nạt, … Khi được bầu rồi, chủ tịch phải thực hiện lời hứa của mình với cả lớp, vì đó là trách nhiệm, là danh dự. Nhiệm kỳ thì luân phiên. Mọi người đừng lo con em lạm quyền. Các em rất tự tin, dám nói dám làm dám chịu trách nhiệm.
Và nếu các em thực sự mong muốn trở thành nhà lãnh đạo tương lai, cũng tốt chứ sao. Mong muốn làm lãnh đạo cũng không phải là điều xấu nếu các em hiểu rằng đứng đầu nghĩa là có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của mọi người, giúp đất nước phát triển. Trách nhiệm chính là danh dự bản thân. Chủ tịch (class president) chỉ là người đứng đầu một lớp tự quản thôi mà.
PGS - TS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội:
Có thể gọi là Trưởng ban tự quản Tự quản là một phẩm chất của học sinh nói riêng và tập thể học sinh nói chung, đã được các nhà giáo dục nghiên cứu từ lâu (A. Macarenco, V. Sukhomlinsky...). Các lớp học sinh trên thế giới và ở Việt Nam đều được khuyến khích hoạt động theo tinh thần tự quản (ở mức độ và trình độ của các em). Đã tự quản thì phải có tổ chức, tổ chức đó có thể có tên gọi khác nhau như: ban cán sự lớp, đội ngũ tự quản, ban tự quản, hội đồng tự quản... (Tên gọi hội đồng tự quản lấy theo kinh nghiệm từ dự án VNEN). Đã có hội đồng thì phải có người đứng đầu và gán cho người đó một "chức danh", nay người ta định gọi nó là "chủ tịch". Mới nghe qua có thể thấy "chối" vì chưa quen, nhưng sau có thể sẽ quen(?). Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học (mới) có nói "chủ tịch..." hay lớp trưởng. Như vậy, bản chất của nó là như nhau, vấn đề là tên gọi. Theo tôi,có thể gọi là "trưởng ban tự quản"thì "dễ nghe" hơn (khi đó, hội đồng tự quản sẽ được gọi là "ban tự quản"), hoặc vẫn lớp trưởng như cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở chỗ khác - ban tự quản này được tổ chức và vận hành như thế nào. Nếu có thể (học sinh lớp 4, 5 chẳng hạn), nên tạo điều kiện cho cá nhân học sinh tự "tranh cử" bằng chương trình hành động của mình (ở nước ngoài người ta đã làm được), để học sinh bầu ban tự quản, thành phần nên thay đổi theo định kì (hằng tháng chẳng hạn)... |