Chiều 12-12, tại ĐH Kinh tế TP.HCM, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ.
Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đại diện lãnh đạo các sở ngành tại TP, lãnh đạo các cơ sở đào tạo, đại diện doanh nghiệp, các trường THPT trên địa bàn TP.
Theo báo cáo, đề án được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 7-2021 nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc ĐH và sau ĐH có trình độ quốc tế đối với tám ngành. Đề án tổng thể cũng nhằm hướng đến xây dựng mô hình ĐH chia sẻ có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục ĐH.
Để thực hiện, UBND TP.HCM giao các cơ sở đào tạo chủ trì 9 đề án thành phần. Trong hai năm đầu thực hiện, do bị ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19, hoạt động của các cơ sở đào tạo đều bị ảnh hưởng. Nhưng đến nay, 8/9 đề án thành phần đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với tổng kinh phí khoảng 8,3 tỉ đồng.
Trong đó, bốn đề án (1, 3, 5, 8) đã được nghiệm thu và tổng kết trong đợt này lần lượt là đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM); ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM); ngành Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM); ngành Quản lý đô thị (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển đột phá và tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế của TP, trong đó có 8 ngành đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Hiện tại, TP cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án trở thành trung tâm tài chính đã được Bộ Chính trị thông qua. Những công việc lớn của TP đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, với kết quả của các đề án cùng sự thống nhất khẩn trương, phối hợp thực hiện của các bên sẽ thu hoạch được kết quả cao.
Để làm được, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu lên ba nội dung cần triển khai. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Thứ hai, đối với cơ sở đào tạo, bên cạnh ĐH Quốc gia TP.HCM, TP luôn hoan nghênh các cơ cở đào tạo tại TP.HCM, các cơ sở trong nước và kể cả quốc tế cùng khẩn trương hoàn thiện chương trình theo hướng đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.
Để làm được, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cơ sở đào tạo nên có hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình và đẩy mạnh tương tác với các cơ sở đào tạo khác để có được chương trình tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, phải tương tác, phối hợp với doanh nghiệp để nắm được nhu cầu thị trường, từ đó thiết kế, chọn lựa chương trình phù hợp nhằm đáp ứng ngay với nhu cầu thực tế.
Thực tế thời gian qua ở một số cơ sở đào tạo đã chủ động đầu tư để nâng cao chất lượng giảng viên theo chuẩn quốc tế thông qua các hợp tác quốc tế, chủ trương của TP để triển khai chương trình.
Thứ ba là các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng, như phòng thí nghiệm,…, từ đó cùng với chương trình, đội ngũ giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp triển khai đào tạo có hiệu quả.
Tuy nhiên, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề cập 3 vấn đề quan trọng khác trong đào tạo nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cần lưu ý để đáp ứng toàn diện nhân lực. Thứ nhất là ngoại ngữ, kể cả sinh viên và giảng viên cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Thứ hai là sự hiểu biết pháp lý quốc tế. Thứ ba là ý thức và kỹ năng về kinh doanh.
Cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong muốn nhận được sự đóng góp, phối hợp thực hiện và đặt hàng các doanh nghiệp để việc đào tạo nhân lực sát với thực tế nhất.
Để triển khai các đề án, chương trình hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh ba cam kết của TP.
Thứ nhất, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường quản trị, tạo ra thuận lợi để các chương trình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều thành phần tham gia, phát huy hiệu quả các chương trình không chỉ ở các cơ sở đào tạo mà còn ở trong TP hoặc phát triển ra nước ngoài.
Thứ hai, TP cam kết đầu tư nguồn lực xứng đáng để phát triển các chương trình. Các trường cần kinh phí để đào tạo giảng viên, cần kinh phí để mua các chương trình đào tạo quốc tế, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại hay các nền tảng khác…thì TP sẽ cùng tham gia.
“Như chúng tôi đã từng phát biểu, TP sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cho đổi mới sáng tạo ở TP chúng ta” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
TP cũng cần nghiên cứu một số chính sách cho sinh viên, giảng viên và kể cả doanh nghiệp để tham gia chương trình một cách thuận lợi.
Thứ ba, TP cam kết cùng các bên giải quyết các vấn đề phát sinh, các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chương trình sắp tới.
Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM và các lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp cùng chứng kiến thực hiện ký kết tài trợ hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.