Đại diện VKS hỏi lại việc ông Thắm có nhận bồi thường thay cựu TGĐ Nguyễn Minh Thu hay không? Lý do vì sao không kháng cáo tội cố ý làm trái?... Ông Thắm vẫn giữ lời khai trước HĐXX hôm 20-4 vừa qua.
Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm.
Đại diện VKS sau đó khẳng định cựu chủ tịch OceanBank có quyền kháng cáo, thay đổi nội dung kháng cáo cho đến khi nói lời sau cùng. Cạnh đó, cơ quan tố tụng, đặc biệt VKS, không bị giới hạn, sẽ xem xét toàn bản án với cả những bị cáo không kháng cáo trong vụ án này.
Luật sư Ngô Huy Ngọc sau đó hỏi thân chủ Hà Văn Thắm về thiệt hại trong vụ án này. “Giờ nghỉ trưa, xin cho bị cáo mượn giấy bút ghi lại một số con số để trình bày cụ thể về mặt thiệt hại” - ông Thắm nói và khẳng định trong số 1.576 tỉ đồng (thể hiện trong hồ sơ vụ án là thiệt hại), có 934 tỉ đồng không thể được coi là thiệt hại.
“Lời khai của bị cáo Hà Văn Thắm có sự mâu thuẫn. Hôm trước bị cáo nói trong vụ án này, nếu có thiệt hại thì có chăng là thiệt hại phi vật chất. Bây giờ lại bảo trong số 1.576 tỉ đồng thì có 934 tỉ đồng không thể được coi là thiệt hại. La đà vào các con số này rất khó, nhiều người nghe cũng không thể nào hiểu được vì nhiều số liệu lộn xộn. Để tránh mất thời gian, HĐXX để thư ký chuẩn bị giấy bút cho bị cáo để bị cáo diễn giải ra từng mục cụ thể, mục nào chấp nhận, mục nào không chấp nhận, lý do tại sao. Nội dung này cũng có thể đưa vào phần tranh tụng tại phiên tòa” - chủ tọa Ngô Hồng Phúc nói.
Ông Hà Văn Thắm sau đó trình bày: Những gì cơ quan điều tra xác định chi cho khách hàng (chứ không phải chi cho lãnh đạo khách hàng) để huy động vốn thì chỉ có thiệt hại phi vật chất, không có thiệt hại vật chất. Phần chi cho khách hàng nhưng không đến tay khách hàng, có ai đó chiếm đoạt hưởng lợi thì đó là thiệt hại và những người được hưởng lợi đó phải bồi thường cho OceanBank vì tiền đã được sử dụng không đúng mục đích.
“Ai là người được nhận khoản tiền thiệt hại này nếu HĐXX xác định đó là thiệt hại?” - luật sư Ngọc hỏi tiếp thân chủ.
+ Theo quan điểm của bị cáo, nếu xác định có thiệt hại thì người bị thiệt hại là OceanBank. Tuy nhiên, đối tượng phải bồi thường đang có vấn đề như bị cáo đã trình bày và vấn đề này đang có mâu thuẫn với bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xác định tài sản của ngân hàng là tài sản của cổ đông, bởi vậy thiệt hại của ngân hàng là thiệt hại của cổ đông. Bản án xác định PVN được hưởng 20% phần thiệt hại đó.
Nếu theo quan điểm của bản án sơ thẩm thì trả lời câu hỏi của luật sư sẽ là các cổ đông, trong đó có PVN, được nhận số tiền bồi thường này mà không phải là OceanBank. Và như vậy thì không chỉ có 49 tỉ đồng, PVN sẽ được nhận 20% của cả các khoản thiệt hại khác nữa, nếu như có.
. Liên quan đến tội danh cố ý làm trái anh bị tuyên mức án 19 năm tù, mức án gần như tuyệt đối. Mức án này áp dụng đối với người phạm tội phải có rất nhiều tình tiết tăng nặng. Nhưng trong hồ sơ vụ án, tôi không thấy có tình tiết tăng nặng, thậm chí có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không được HĐXX sơ thẩm thể hiện trong bản án sơ thẩm. Anh có đề nghị gì đối với HĐXX phúc thẩm trong phần tuyên đối với tội cố ý làm trái không?
+ Bị cáo vẫn giữ quan điểm không kháng cáo phần hình sự đối với tội cố ý làm trái. Bị cáo đã dùng điều đó để xin cho các anh em đồng nghiệp rồi và bị cáo cũng muốn dùng các tình tiết đó để xin cho các tội danh còn lại nếu bị cáo vẫn bị quy buộc. VKS cho phép bị cáo có thể tiếp tục thay đổi kháng cáo cho tới khi nói lời sau cùng. Bị cáo sẽ suy nghĩ thêm nhưng đến thời điểm này bị cáo không có thay đổi gì.
“Bị cáo rất nhân văn, thương HĐXX đau đầu nên chỉ nêu những vấn đề đó thôi” - chủ tọa Ngô Hồng Phúc bình luận.
Kết thúc phần xét hỏi đối với ông Hà Văn Thắm, HĐXX xét hỏi cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tử hình về tội tham ô tài sản, tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 17 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn.
“Bị cáo có thay đổi về nội dung kháng cáo không?” - chủ tọa hỏi.
“Không. Bị cáo kêu oan về tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bị cáo thừa nhận hành vi cố ý làm trái của mình” - ông Sơn khai tại tòa và khẳng định khoản tiền bị cáo Hà Văn Thắm đưa cho bị cáo là để “chăm sóc khách hàng” chứ bị cáo không chiếm đoạt.
Ông Sơn sau đó đề nghị HĐXX xem xét cho ông ở cả hai hành vi, chiếm đoạt 69 tỉ đồng của Công ty BSC và 197 tỉ đồng của OceanBank.
“Hành vi của bị cáo là chi lãi ngoài. Kết luận điều tra và cáo trạng cũng kết luận là chi lãi ngoài thế nhưng lại cắt khúc, quy kết cho bị cáo thành ba tội trạng khác nhau. Trong vụ án này, các bị cáo khác cũng có hành vi như bị cáo chỉ bị quy buộc ở hành vi cố ý làm trái thôi. Trước đây, VKS cũng chỉ quy kết cho bị cáo một tội cố ý làm trái, nay tách thành ba tội thì oan ức quá” - cựu TGĐ OceanBank nói thêm.
“Bị cáo có biết Hà Văn Thắm lấy nguồn tiền từ đâu để chi lãi ngoài không?” - chủ tọa hỏi.
+ Bị cáo chỉ nhận được chỉ đạo là chi tiền và anh Thắm lo nguồn tiền hợp pháp để chi. Bị cáo hoàn toàn không biết và cũng không quan tâm bị cáo Hà Văn Thắm đưa tiền cho bị cáo lấy nguồn từ đâu. Nhưng quá trình điều tra bị cáo biết bị cáo Thắm đưa tiền cho bị cáo từ nguồn tiền của bị cáo Thắm, từ vợ và mẹ vợ của bị cáo Thắm, tiền của BSC...
“Trong số 246 tỉ đồng mà Hà Văn Thắm đưa cho bị cáo, HĐXX cảm nhận bị cáo có phần mâu thuẫn. Bị cáo rất sợ nói lấy tiền của ngân hàng, tiền của OceanBank, chỉ muốn khẳng định đây là tiền cá nhân Hà Văn Thắm đưa. Như vậy mâu thuẫn ở chỗ bị cáo lại thừa nhận tội cố ý làm trái. Nếu tiền của cá nhân đưa cho nhau thì không có tội cố ý làm trái” - chủ tọa Ngô Hồng Phúc nói.
“Nếu để bị cáo thể hiện tích cực khắc phục hậu quả thì bị cáo sẽ làm thế nào?” - chủ tọa hỏi tiếp.
+ Trong các bản khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đã đề nghị cho phép dùng các tài sản của bị cáo đã bị kê biên, thậm chí có những tài sản đã hình thành cách đây 20 năm, gồm cả cổ phiếu và nhà cửa, được bán đi để khắc phục hậu quả.
. HĐXX tiếp nhận rất nhiều đơn, gồm cả bố mẹ, vợ bị cáo được lấy tài sản để khắc phục hậu quả. Bị cáo có đồng ý không?
+ Bị cáo xin phép được dùng tài sản của bị cáo và gia đình để khắc phục hậu quả. Chỉ duy nhất căn nhà gia đình bị cáo đang ở cùng với mẹ vợ bị cáo. Căn nhà này phần lớn là tiền của mẹ vợ bị cáo. Bị cáo cũng xin phép được bàn với vợ, có thể dùng cả tài sản của vợ bị cáo bán đi để bị cáo khắc phục hậu quả.