Trước khi vào phần tranh luận, chủ tọa dặn luật sư hai bên: “Chút nữa tôi phải có việc đi sớm, 10 giờ 45 sẽ không có mặt ở đây nữa. Nếu hai luật sư có thể nói ngắn gọn thì tôi sẽ tuyên án luôn không phải kéo dài tới chiều, cực cho luật sư”.
Sau đó khi luật sư của bên nguyên đơn đang trình bày, chủ tọa liên tục cắt lời và nhắc nhở luật sư của bên bị đơn: “Nếu trình bày dài nữa thì có thể chiều mới tuyên được. Luật sư yêu cầu bác đơn khởi kiện của nguyên đơn phải không? Ông gửi văn bản cho tôi đi! Thực ra tôi không muốn hạn chế đâu. Mong ông thông cảm ha!”.
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, một kiểm sát viên nói: Chủ tọa đã vi phạm tố tụng. Điều 233 BLTTDS quy định: Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Theo vị này, ở phiên tòa nói trên, đại diện VKS và luật sư đã không thực hiện hết quyền của mình. Trong trường hợp này, họ nên tranh luận lại với tòa. Sau đó VKS cũng phải kiến nghị. Mục đích cũng chỉ nhằm cho HĐXX xem xét vụ án một cách toàn diện. “Khi xét xử mà chủ tọa chỉ lo đi ra ngoài có việc như vậy rất khó có thể làm cho vụ án được khách quan, rất dễ dẫn đến xét xử không chính xác, không đúng luật” - vị này nói.
NGÂN NGA