"Hiện nay đất nước ta được độc lập, Tổ quốc thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đây là sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước, khi hàng ngàn người con ưu tú đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương, trí tuệ, công sức, tài sản cho sự nghiệp cách mạng cao cả...".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn đến người có công như trên tại hội nghị biểu dương "Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc" diễn ra ngày 26-7.
Thủ tướng tặng bằng khen cho những cá nhân "Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc" năm 2017. Ảnh: VL
Thủ tướng cho biết trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã bố trí nguồn lực thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách ngày càng được hoàn thiện, mở rộng đối tượng... Các phong trào đền ơn đáp nghĩa được thực hiện rộng khắp trên cả nước.
Thủ tướng ca ngợi những tấm gương là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công... vượt qua đau thương mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thủ tướng tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các mẹ Việt Nam anh hùng, những người còn mang nặng trong lòng đau thương mất mát. "Thưa các mẹ Việt Nam anh hùng, những người con của các mẹ đã ra đi mãi mãi nhưng từ đáy lòng mọi người dân Việt Nam luôn ghi ơn, quan tâm chăm sóc để bù đắp phần nào mất mát..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, khi nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định danh tính, nhiều gia đình chưa được hưởng các chính sách người có công. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Bố trí ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội nhằm quan tâm, chăm lo y tế, việc làm... cho những gia đình khó khăn trong cuộc sống. Làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo mộ; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. "Đặc biệt đến cuối năm 2017 phải giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Còn 5.000 hồ sơ tồn đọng Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù thời gian qua đơn vị và các tỉnh, thành đã cố gắng tập trung, xem xét, giải quyết nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, chỉ riêng hồ sơ liệt sĩ và thương binh vẫn còn gần 5.000 hồ sơ còn tồn đọng. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng. |