Sau quá nhiều sự cố của trọng tài gây ra cho V-League, các nhà điều hành giải buộc phải mời trọng tài ngoại để xoa dịu dư luận và giải quyết bài toán tâm lý cho các đội bóng trong một vài trận căng thẳng. Cái tên đầu tiên là trọng tài FIFA Nasaruddin, 26 tuổi và được quảng cáo là có nhiều kinh nghiệm ở các đấu trường châu Á.
Ba mùa bóng qua, ban tổ chức cũng đều phải chữa cháy bằng “vua ngoại” một cách chẳng đặng đừng cho có vẻ công tâm. Nó không thể hiện sự vượt trội về chuyên môn nhưng giải quyết căn bệnh niềm tin mà làng bóng nội đã đa nghi lại hay mắc bệnh đổ thừa.
Việc thuê trọng tài ngoại bây giờ chỉ để giải quyết bài toán niềm tin. Ảnh: XUÂN HUY
Thực chất, trọng tài Nasaruddin do LĐBĐ Malaysia tiến cử mà chẳng phải do VPF chọn. Bảo chứng FIFA cũng không đủ cho Nasaruddin dễ dàng bảo đảm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, như trường hợp trọng tài Nhật Okabe năm ngoái bị chê lên chê xuống. Có chăng “vua ngoại” Nasaruddin nếu có sai sót thì đơn thuần bị quy lỗi nhận định chứ không phải lỗi tư tưởng. Và họ có sai cũng không bị cầu thủ, lãnh đạo đội phản ứng mạnh hay mạt sát như trọng tài nội. Hơn hết là trọng tài ngoại giải được bài toán khó về niềm tin của các đội với trọng tài nội cùng căn bệnh hay đổ thừa.
Trong bối cảnh bát nháo của giới trọng tài, các nhà tổ chức đành phải cắn răng chi thêm tiền để mời “vua ngoại” có tuổi đời lẫn trình độ không hơn “vua nội” thì cũng chẳng vinh hạnh gì. Nhưng đấy là điều cần thiết để tạm chữa căn bệnh niềm tin.
Tại lượt đi V-League 2016, Ban Trọng tài đã đưa ra kỷ luật nội bộ bốn trọng tài và ba trợ lý trọng tài vì không hoàn thành nhiệm vụ. Lượt về, sai sót của trọng tài ngày càng tăng và có phần trầm trọng hơn. Ngoài hai trọng tài phạm sai lầm nặng là Hà Anh Chiến và Phùng Đình Dũng, còn rất nhiều “vua sân cỏ” khác có những tiếng còi khó hiểu hoặc bị ngớ ngẩn đến khó tin. Ở vòng 19 mới đây, HLV Huỳnh Đức tố cáo trọng tài Đức Vũ phạt lỗi việt vị sau cú ném biên. Trên sân Tam Kỳ, trọng tài Ngô Mạnh Cường thổi còi nghỉ giữa hiệp rồi sau đó trợ lý nhắc lại cho cầu thủ ra sân đá thêm hai phút bù giờ. Trước đó, trọng tài Nguyễn Trung Kiên quên mang theo thẻ phạt làm trò cười cho thiên hạ.
Đội ngũ “vua nội” vừa liên tục gây lỗi vừa hứng chịu sức ép nặng nề từ những sai lầm liên tục của đồng nghiệp và những bản án liên tục được ban hành. Tất nhiên không phải trọng tài nào cũng thế nhưng nguy hiểm là việc mất niềm tin từ công tác điều hành trong khi trọng tài là chỗ dễ “đổ” nhất.