Niềm tin đấy được hô hào nhưng đến nay thì chân tướng ở V-League đã lộ ra dần bởi những căn bệnh nan y. Những nhà điều hành bóng đá không dám cầm dao mổ để đại phẫu mà chỉ là chạy xa những “khối u” rồi cố la lên là u lành…
1. Trọng tài FIFA Võ Minh Trí vừa được AFC tin tưởng phân công cầm còi trận đấu quan trọng giữa Úc và CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Điều này rất thường tình đối với trọng tài Việt Nam nằm trong nhóm Elite (những trọng tài được AFC đầu tư trọng điểm và được xem là trọng tài hàng đầu châu Á). Nhưng với những nhà làm bóng đá Việt Nam thì chẳng có ký lô nào. Giới trọng tài Việt Nam hay có thói quen làm thống kê và đưa ra con số làm trọng tài các trận đấu ở V-League thì Võ Minh Trí chỉ bằng 2/3 nhiều trọng tài quốc gia không có mác FIFA.
Ông Trí khi được hỏi vẫn chỉ cười và chia sẻ rất thân thiện (nhưng không dám bộc bạch hết vì đó là quy định cấm của trọng tài Việt Nam): “Mình được tin tưởng phân công làm trận nào là làm tốt trận đó”. Ông Trí không thổ lộ về những trận cầu đinh ông được AFC giao và những trận cầu đinh ở V-League mà có khi ông phải làm “bờm” (ngôn ngữ trong giới trọng tài chỉ những trọng tài làm bàn hay còn gọi là trọng tài thứ tư). Nói như đồng nghiệp ông là “bụt nhà không thiêng” còn nói như người hiểu ngọn nguồn của trọng tài Việt Nam thì “Trọng tài Việt Nam cũng có con yêu con ghét và có cả câu chuyện niềm tin”.
Gần đây mọi người thấy ông Trí làm “bờm” cho trọng tài Nhật có tuổi đời lẫn tuổi nghề thua Trí và cũng không được AFC đánh giá cao bằng Trí. Dân cầm còi ai nhìn thấy cũng đều buồn vì phải thuê trọng tài ngoại còn trọng tài nội thì được đi bắt World Cup nhưng làm ở nhà thì không được tin tưởng.
Bầu Đức và bầu Thắng không thể cùng chung giai điệu bóng đá sạch, bóng đá đẹp như hai ông từng ao ước. Ảnh: XUÂN HUY
Trọng tài Việt Nam tủi thân với thân phận của những người bị đánh mất niềm tin. Ảnh: XUÂN HUY
2. Bầu Thắng và bầu Đức trước đây hay ồn ào khi Gạch - Gỗ gặp nhau làm trận đấu căng thẳng và truyền thông chú ý. Sau này thì chính hai ông bầu trên thổ lộ rằng họ cố tình làm cho căng chứ ngoài đời họ là bạn rất thân và luôn muốn có những đội bóng tử tế đúng nghĩa chuyên nghiệp.
Thời gian trôi đi bầu Thắng không còn quản lý trực tiếp đội Gạch (ĐT Long An) nữa và trao quyền kiểm soát cho em ruột. Tuy xa đội bóng nhưng bầu Thắng xem đấy là máu mủ, là đứa con tinh thần của mình. Đội bóng mà ông từng ngồi phân tích cho cầu thủ hiểu giá trị của chiếc vé vào sân bằng mấy ngày công làm lúa nên làm cầu thủ phải đá cho tử tế để đáp ứng niềm tin và lòng mong đợi của những người ủng hộ đội bóng.
Bầu Thắng không to tiếng kiểu “Đứa nào đá xấu bác chặt chân” như bầu Đức. Ông luôn tôn trọng bóng đá đẹp, bóng đá chân chính. Thế mà mới đây đội bóng do ông thai nghén ngày nào thua đậm ở Đà Nẵng vì cầu thủ chưa nhận đủ lương, thưởng. Tệ hơn là họ thua dễ Cần Thơ đang khát điểm để trụ hạng.
Trong khi đó, bầu Đức luôn đề cao bóng đá đẹp, bóng đá sạch và cực lực lên án chuyện xin, cho điểm. Có lẽ cũng vì thế mà trận HA Gia Lai thắng SL Nghệ An ngay sau khi thay tướng, có dư luận lại cho rằng vì SL Nghệ An đá chưa đúng sức và hết động cơ chứ đội bầu Đức thì vẫn có bao nhiêu đá bấy nhiêu.
Thật lạ lùng khi đội của bầu Đức vừa có trọn 3 điểm thì tại Long An, đội bóng mà bầu Thắng từng cưu mang dễ dàng thua trên sân nhà để đội bóng đáng đua với đội bầu Đức cũng có trọn 3 điểm.
Lại phải hỏi ngược các ông bầu muốn sống với bóng đá chân chính là khi họ vào ghế VPF hay ghế VFF thì họ có cải thiện được niềm tin hay đóng góp được gì nhiều cho thứ bóng đá tử tế?
3. Cuối mùa V-League, bóng đá nội còn gì để tin và còn gì để hấp dẫn người hâm mộ xem những trận đấu thực sự. Sân Pleiku chính những người xứ Nghệ như ông Nguyễn Lưu hay những người tin tưởng bầu Đức làm bóng đá chân chính và hết mình bất chấp đội xuống hạng vẫn phải đánh dấu hỏi thật lớn: Tin được bao nhiêu với những kết quả đáng ngờ?
Bao nhiêu đội còn mục tiêu để chơi nốt bốn vòng đấu còn lại. Ngược lại thì còn bao nhiêu đội đã trụ hạng, đã đủ điểm bây giờ chơi thứ bóng đá tình nghĩa rồi ôm vào cái danh ảo “cứu người”, “cứu bạn”.
Hôm qua, nghe một số cựu danh thủ chia sẻ ngày xưa họ có chơi thứ bóng đá tình nghĩa nhưng chỉ là anh em giúp nhau hay tỉnh này giúp tỉnh nọ. Bây giờ thì họ lợi dụng bóng đá tình nghĩa để kiếm cái phần ngoài chữ tình.
V-League chưa bắt tại trận được ai cả nhưng những sự kiện liên tục vừa qua đã khiến hình ảnh V-League bị bào mòn niềm tin rất nhiều.
Có ai còn hy vọng dù là vài trận đá thật hay rồi lại bàng quan là thôi kệ, V-League muốn trôi đi đâu thì trôi bởi bóng đá cũng là một phần của xã hội.