Ngày 28-11, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ cựu lãnh đạo Ngân hàng (NH) liên doanh Việt Nga (NH Việt Nga) và cấp dưới bị cáo buộc gây thiệt hại 120 tỉ đồng.
Cáo trạng của VKS truy tố Trần Hoàng (cựu phó giám đốc NH Việt Nga Chi nhánh TP.HCM - VRB) cùng ba cấp dưới Lê Vũ Trường Sanh, Phạm Bá Chánh, Trần Đình Diệu bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan, VKS cũng truy tố Lê Nông (cựu giám đốc VRB) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX quyết định hoãn phiên tòa sau khi hội ý. Ảnh: HY
Đáng chú ý, vụ án được khởi tố từ năm 2010. Khi thụ lý giải quyết, TAND TP.HCM đã ba lần đổi thẩm phán, bảy lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đến nay vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.
Tại tòa hôm nay, trong phần thủ tục, một luật sư bào chữa cho hai bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do là luật sư đang bận đi công tác nước ngoài. Một số luật sư có đơn xin vắng mặt hoặc vắng mặt trong phần thủ tục.
Cạnh việc vắng mặt, các luật sư còn có đơn yêu cầu HĐXX tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trước diễn biến này, đại diện VKS có ý kiến là các lý do luật sư đưa ra trong đơn yêu cầu điều tra bổ sung đã được làm rõ trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, các bị cáo bị truy tố với khung hình phạt buộc phải có luật sư bào chữa.
Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.
Cáo trạng xác định vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu thành lập Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc, thuê người làm giám đốc để kinh doanh cà phê, nông sản.
Hai công ty này nhiều lần vay tiền của VRB. Tháng 7-2009, ông Hoàng, phó giám đốc VRB, ký hợp đồng tín dụng cho công ty của vợ chồng Loan, Hậu vay 130 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng được đảm bảo bằng nhiều bất động sản.
Hai phó phòng quan hệ khách hàng VRB là Sanh, Chánh được giao nhiệm vụ kiểm tra thông tin, đánh giá và ký duyệt tờ trình đề xuất cho khách hàng vay. Và Diệu, cán bộ phòng quan hệ khách hàng, được giao nhiệm vụ lập hồ sơ khoản vay, tài sản đảm bảo, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hai công ty.
Theo VKS, các cán bộ NH này đã không thực hiện theo đúng quy định về cho vay và tài sản đảm bảo, dẫn tới không có khả năng thu hồi khoản nợ trên. Sau khi vay tiền, vợ chồng Loan - Hậu đã chiếm đoạt và tháng 2-2010 bỏ trốn, để lại khoản nợ 120 tỉ đồng.
Còn ông Nông khi làm giám đốc VRB là người ký báo cáo đề xuất lên tổng giám đốc NH cho hai công ty của vợ chồng Loan vay, nhưng khi VRB phê duyệt hạn mức tín dụng, ông này không chỉ đạo hoàn thiện việc thế chấp tài sản đảm bảo theo hạn mức.
Ngoài ra, Hoàng và các đồng phạm còn có hành vi đề xuất, phê duyệt cho Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc được vay hỗ trợ lãi suất không đúng quy định gây thiệt hại 4,7 tỉ đồng cho NH.
Tuy nhiên, do vợ chồng Loan đang bỏ trốn nên cơ quan chức năng tạm đình chỉ vụ án này, khi nào bắt được sẽ xử lý.
Năm 2016, Bộ Công an và VKSND Tối cao ra các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án và bị can với lý do các tài sản bảo đảm thừa để thu hồi nợ.
Nhưng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra vì căn cứ vào giám định của NH Nhà nước có nội dung "các tài sản VRB nhận thế chấp không đảm bảo theo quy định”. Trong khi NH VRB cho rằng không thiệt hại do vẫn nắm giữ tài sản thế chấp, còn các bị cáo thì kêu oan.