Bộ NN&PTNT đã thống nhất hầu hết với đề xuất của Hà Nội, tuy nhiên riêng về độ cao của đê Nghi Tàm sau khi hạ thì hai bên chưa có sự thống nhất. Cụ thể, phía Hà Nội đề nghị hạ độ cao đoạn đê trên xuống còn 12,4 m còn Bộ NN&PTNT đề nghị hạ độ cao ở mức 13,5 m.
Thông tin này được nguồn tin của Pháp Luật TPHCM cho biết sau khi cuộc họp kết thúc.
Đoạn đê Nghi Tàm được Hà Nội đề xuất hạ độ cao tương đương với đường dân sinh bên dưới để mở rộng đường giao thông. Ảnh: T.PHÚ
“Ý kiến của Bộ là giữ nền đê ở mức 13,5 m, còn TP đề nghị là hạ xuống mức 12,4 m. Hiện tại mặt đê có cao độ 15,2 m. Bộ đồng ý hạ đê và thay vào đó là làm bức tường bê tông cốt thép chắn sóng hình chữ L (giống tường đê Yên Phụ hiện tại). Bức tường này sẽ có giữ ở mức 15,4 m, cao hơn đường đê hiện tại 0,2 m” - nguồn tin này cho hay.
Như vậy theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, độ cao của đê sẽ hạ thấp hơn so với hiện tại là 1,7 m, tương đương với độ cao của một người trưởng thành. Còn đề xuất của Hà Nội là hạ độ cao của đê thấp hơn so với hiện tại là 2,8 m, gần bằng độ cao của một tầng nhà.
Hà Nội đề xuất hạ độ cao đoạn đê Nghi Tàm để mở đường giao thông, thay vào đó là làm bức tường bê tông cốt thép hình chữ L cao hơn so với mặt đê hiện tại 0,2 m để chống lũ. Ảnh: T.PHÚ
Ngoài nội dung này, tại cuộc làm việc trên các chuyên gia cũng góp ý phương án làm cầu vượt qua nút giao đường Thanh Niên - cửa khẩu An Dương phải đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Nghi Tàm, đê Yên Phụ. Theo các chuyên gia, nếu làm cầu vượt sẽ có rất nhiều phương tiện giao thông to, nhỏ chạy qua gây chấn động đến nền đê. Vì thế việc thiết kế cầu vượt qua nút giao này phải tính toán để cầu vượt có kết cấu đảm bảo an toàn.
Tường bê tông chắn sóng hiện tại của đê Yên Phụ, giáp với đoạn đê Nghi Tàm đang được đề xuất hạ độ cao để mở đường giao thông. Ảnh: T.PHÚ
Như Pháp Luật TPHCM đã thông tin, vào tháng 10-2016, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất hạ độ cao đoạn đê Nghi Tàm dài 1,1 km (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) xuống cao độ 12,4 m.