Theo người dân cho biết, bắt đầu từ đầu tháng 4-2018, ngao nuôi của các hộ ở xã Cẩm Lĩnh, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) bắt đầu chết nhiều. Sau đó, người dân tiếp tục phát hiện ngao nuôi, nghêu sò nhiều hộ dân ven biển ở Lộc Hà, Thạch Hà cũng chết hàng loạt. Số ngao chết này đã được người dân bỏ giống hàng tấn nuôi từ năm 2017 đến nay chuẩn bị vào hè thu hoạch thì ngao chết. Nhiều hộ dân rơi nước mắt khi mất trắng cả vốn hàng trăm triệu đồng lẫn lời khi ngao chết trắng đồng.
Ngao người dân nuôi chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì bị chết bất thường.
Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết các xã có diện tích ngao nuôi bị chết nhiều là xã Thạch Bàn (Thạch Hà) có hơn 64, 98/86,38 ha ngao chết ở bãi nuôi của 24 hộ. Số lượng giống ngao người dân xã Thạch Bàn thả 261,8 tấn, mức thiệt hại khoảng 40%-90%.
Ở các xã Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), diện tích ngao bị chết hơn 40/194 ha với mức độ thiệt hại khoảng 50%.
Các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) sò lát, ngao trắng chết trên diện tích nuôi 15,2 ha, mức độ thiệt hại lên tới trên 70%.
Ngao chết trắng đồng, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã thu gom số ngao chết để tiêu hủy, hướng dẫn người dân làm vệ sinh, khử trùng khu vực có ngao chết.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản đang phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nuôi trồng thủy sản 1) trực tiếp lấy mẫu môi trường và mẫu ngao chết để kiểm tra, phân tích, tìm nguyên nhân.
Cho đến chiều tối 13-4, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh chưa đưa ra nguyên nhân ngao chết do ô nhiễm hay dịch bệnh.