Chữa vô sinh 10 năm tại Mỹ thất bại, về nước lại tìm được con

Câu chuyện được chị Helen Thanh Nguyễn (46 tuổi, Việt kiều Mỹ) chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa hiếm muộn (IVF) BV Hùng Vương (TP.HCM) sáng 3-11.

Vợ chồng chị Helen Thanh Nguyễn là một trong hàng trăm gia đình đã tìm được con khi đến điều trị tại Khoa hiếm muộn, BV Hùng Vương.

Bé Paula, con của vợ chồng chị Helen, rất hiếu động. Ảnh: HL

Đi cùng chị tới buổi lễ kỷ niệm là chồng và một bé gái kháu khỉnh, hiếu động được đặt tên Paula. Paula vừa tròn 22 tháng tuổi là kết quả hơn 10 năm ròng rã vợ chồng chị đi “tìm con”.

Nhắc lại hành trình vất vả tìm con từ trong trứng nước, chị Helen Thanh Nguyễn luôn chực xúc động. Chị Helen cho biết lập gia đình khi 33 tuổi, chồng kém một tuổi nhưng sau hai năm vẫn chưa có con. Bác sĩ cho biết chồng chị bị tinh trùng yếu cần phải can thiệp nhân tạo. Trải qua ba lần bơm tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ, vợ chồng chị Helen dần mất hết hy vọng.

Vợ chồng chị Helen và bé Paula. Ảnh: HL

Năm 2016, trong một lần về Việt Nam, chị được một số người bạn đã từng thụ tinh trong ống nghiệm thành công khuyên vào BV Hùng Vương thực hiện.

“Ở Mỹ thụ tinh trong ống nghiệm còn không thành công thì không biết về Việt Nam thế nào nhưng tôi cứ thử xem sao, đằng nào cũng có hai tháng về Việt Nam chơi. Lần thụ tinh trong ống nghiệm ở Mỹ, chi phí bỏ ra là 30.000 USD nhưng về đây chi phí khá rẻ, chỉ hơn 100 triệu” - chị Helen kể không đặt niềm tin nhiều khi thực hiện IVF ở Việt Nam.

Chị Helen xúc động khi nhắc về hành trình tìm con nhọc nhằn. Ảnh: HL

Tháng 2-2017, chị được chuyển phôi lần đầu tiên nhưng thất bại. Đến tháng 4-2017, chị thực hiện chuyển phôi lần hai. Cùng thời điểm làm IVF với chị có ba người bạn đều mang thai thành công và cả ba đều có dấu hiệu thai nghén. Riêng chị không có triệu chứng nào cho thấy con đã ở lại.

Hồi hộp hơn khi một người cháu gái chị nhờ đi lấy kết quả và nói lộn là chị không có thai. Lúc đó, chị đã nghĩ con cái là do trời ban và chấp nhận số phận, nhắn tin chia tay các bác sĩ giúp chị thực hiện IVF để về Mỹ. “Không ngờ, tôi lại nhận được tin nhắn phản hồi của chị Tuyết (bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương) chúc mừng tôi đã có thai và dặn tôi giữ gìn cẩn thận. Lúc đó tôi không biết nên tin vào sự thật nào, giờ nhắc lại tôi còn nổi cả da gà” - chị Helen kể lại.

Vợ chồng chị Helen và bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, gặp gỡ lúc bé Paula được 10 tháng tuổi. Ảnh: CL

Niềm vui chưa dứt, sóng gió đã ập tới khi theo dõi thai kỳ, bác sĩ lo ngại thai nhi có nguy cơ bị hội chứng Down do người mẹ lớn tuổi, phải chọc ối để xét nghiệm và may mắn là bé không bị sao. Kể đến đây, nước mắt chị Helen không ngừng tuôn rơi.

“Chỉ có ai từng làm IVF rồi mới hiểu cảm giác ham con và mong con đến thế nào. Thời gian chờ kết quả sức khỏe của con là quãng thời gian kinh khủng nhất tôi đã trải qua. Giờ đây thấy những ai hiếm muộn tôi đều muốn chia sẻ và truyền niềm tin đến với họ" - chị Helen chia sẻ.

Tìm con bảy năm là câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu và anh Phạm Văn Tam (sống ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Lập gia đình ở tuổi 28 và 38 tuổi, hai vợ chồng mong muốn có con liền cho vui cửa vui nhà. Đến mãi bảy năm sau, chị Thu vẫn không có dấu hiệu nào của thai nghén.

Hai vợ chồng xuống TP.HCM tìm nguyên nhân và phát hiện anh Tam bị tắc nghẽn ống dẫn tinh, phải thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, chị Thu về cắt thuốc Nam cho chồng uống nhưng không hiệu quả.

Vợ chồng chị Thu, anh Tam và con trai hơn bốn tuổi. Ảnh: HL

Đến năm 2014, hai vợ chồng vào BV Hùng Vương để kiểm tra và phát hiện thêm chị Thu bị suy giảm buồng trứng sớm. Do đó, vợ chồng chị Thu đã phải vất vả phẫu thuật ống dẫn tinh tại BV Bình Dân và xin trứng của em gái để thực hiện IVF tại BV Hùng Vương.

Lần thứ hai chuyển phôi, chị Thu mới thành công và hiện có một bé trai khỏe mạnh hơn bốn tuổi. “Ngày có con, cả xóm già trẻ đều đến chúc mừng vì ai cũng thương hai vợ chồng neo đơn” - chị Thu kể lại. Bé trai được anh chị đặt tên Phạm Phước Lộc kỷ niệm hành trình tìm con vất vả, con đến như một cái duyên trời cho.

Một số hình ảnh khác tại chương trình: 

Khoa hiếm muộn BV Hùng Vương vinh dự nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Ảnh: HL

Biên tập viên Thanh Tâm từng làm phóng sự về các cặp vợ chồng hiếm muộn chia sẻ câu chuyện bản thân thụ tinh trong ống nghiệm để có được con. Ảnh: HL

Các cặp vợ chồng hiếm muộn với những đứa con kháu khỉnh. Ảnh: HL

BS Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, chụp hình kỷ niệm cùng các bé thực hiện IVF thành công tại BV. Ảnh: HL

Các bé thực hiện IVF thành công tại BV Hùng Vương. Ảnh: HL

 

15 năm ươm mầm hy vọng

Thành lập từ năm 2004, sau 15 năm, đến nay Khoa hiếm muộn BV Hùng Vương đã mang lại niềm vui cho hơn 2.000 cặp vợ chồng hiếm muộn mong con. Hiện nay, khoa khẳng định vị thế của mình, trở thành một trong những trung tâm hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Năm 2018, khoa đã được Ủy ban chứng nhận chất lượng về kỹ thuật sinh sản (Reproductive Technology Accreditation Committee - RTAC) thuộc hiệp hội sinh sản Úc (Fertility Society of Australia - FSA) cấp, trở thành một trong năm bệnh viện đầu tiên trong cả nước đạt được chứng nhận này. Vào tháng 6-2019, Khoa hiếm muộn, BV Hùng Vương đã được Bộ Y tế công nhận BV được phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hiện nay, khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương cung cấp các dịch vụ chuyên môn về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản như:

- Khám và chẩn đoán hiếm muộn nam, nữ.

- Tư vấn, thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như: bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ đơn thân, cho nhận trứng, cho nhận phôi…

- Tư vấn, điều trị nam khoa như: phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh, phẫu thuật trích tinh trùng PESA, MESA, TESE, micro-TESE, đông lạnh và lưu trữ tinh trùng, mô tinh hoàn, cho nhận tinh trùng theo nguyên tắc vô danh…

 - Thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ cao trong Labo như: Nuôi cấy phôi ngày 5 (phôi nang), hỗ trợ phôi thoát màng, sinh thiết phôi thực hiện chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), xét nghiệm lệch bội tiền làm tổ (PGT-A)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới