Chuẩn bị sửa Luật Thủ đô, Luật Căn cước công dân...

(PLO)- Bộ Tư pháp cho rằng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) còn một số vấn đề cần được tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung sáu dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung sáu dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, liên quan đến việc điều chỉnh chương trình năm 2023, Bộ Tư pháp dự kiến trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với sáu dự án.

Cụ thể, bổ sung vào Chương trình hai dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), gồm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị bổ sung bốn dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Như vậy, số lượng dự án thuộc Chương trình năm 2023 sẽ là 21 dự án, bao gồm cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, tăng bảy dự án so với Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.

Riêng đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho rằng còn một số vấn đề cần được tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

“Đề nghị cân nhắc thêm việc gắn đối tượng áp dụng gồm người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam”- văn bản của Bộ Tư pháp nêu.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị làm rõ tính khả thi của việc tích hợp nhiều loại thông tin khác nhau gồm khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp vào thẻ Căn cước công dân. Theo cơ quan “gác cổng” về công tác xây dựng pháp luật, điều này sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật và văn bản dưới luật. Mặt khác, cần xác định rõ việc tích hợp thông tin sẽ không thay thế việc sử dụng các giấy tờ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mà chỉ có giá trị tương đương.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề cập đến việc cấp Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi và việc đảm bảo quyền được khai sinh cho trẻ em theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Một nội dung đáng chú ý khác, trong phần đề xuất, kiến nghị, Bộ Tư pháp điểm lại các đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ trình nhưng chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình, trong đó có ba dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo Bộ Tư pháp, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2020), Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với ba dự án luật này.

Ngày 2-12-2020, Tổng Thư ký Quốc hội có Văn bản đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về ba dự án Luật nói trên, báo cáo lại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện yêu cầu, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ GTVT nghiên cứu, thực hiện báo cáo.

Cuối tháng 3-2022, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung ba dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với đề xuất của Chính phủ. Thực hiện yêu cầu tại thông báo này, Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc xây dựng ba dự án luật.

Ngày 19 và 23-12-2022, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các dự án: Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ.

“Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, các Ủy ban của Quốc hội để trình các dự án luật trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình”- văn bản nêu rõ.

Lùi thời điểm trình Luật Công chứng (sửa đổi)

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay Chính phủ đã giao bổ sung ba dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị đưa ba dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, lùi thời điểm trình Quốc hội một kỳ so với Nghị quyết của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm