Luật hóa căn cước công dân điện tử: Bước đi tiến bộ

(PLO)- Căn cước công dân (CCCD) điện tử là bước đi tiến bộ nhằm bảo đảm tính hiệu quả cũng như thống nhất trong việc quản lý của cơ quan nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo có bổ sung quy định mới về CCCD điện tử cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử.

Theo Điều 31 dự thảo thì CCCD điện tử được xác định là tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT), chứa các thông tin được in trên CCCD, thông tin được tích hợp vào CCCD và thông tin khác của công dân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Thông qua CCCD điện tử, công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự (như thương mại điện tử, thanh toán điện tử…) trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng, bảo đảm an toàn, hiệu quả tương đương với việc thực hiện các giao dịch truyền thống (thông qua giấy tờ tùy thân, làm việc trực tiếp…).

Đồng thời, khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng TKĐDĐT trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào TKĐDĐT.

Như vậy, CCCD điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào TKĐDĐT (như giấy phép lái xe, thẻ BHYT…).

CCCD điện tử là bước đi tiến bộ nhằm bảo đảm tính hiệu quả cũng như thống nhất trong việc quản lý của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ:

Thứ nhất, TKĐDĐT trước đây được quy định tại Nghị định 59/2022 nhưng lại không được đề cập trong Luật CCCD hiện hành. Do vậy, việc luật hóa TKĐDĐT chính là CCCD sẽ tạo ra sự tương thích cho việc áp dụng.

Thứ hai, các giao dịch hành chính hay dân sự, dù thực hiện trực tuyến trong không gian mạng thì chủ thể thực hiện các giao dịch này đều là hữu hình. Do đó, việc định danh và xác định các chủ thể thực hiện giao dịch là rất cần thiết.

Nếu việc định danh trong môi trường trực tiếp dễ dàng được xác định qua các thông tin thể hiện trong CCCD (vật lý) thì trong môi trường mạng, việc xác định thông tin của các chủ thể có thể thực hiện thông qua việc định danh, xác thực điện tử.

Thứ ba, tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích của CCCD. Do đó, việc quy định và áp dụng CCCD điện tử (song song với CCCD) là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và quan trọng nhất là mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm