Chúc mừng các bạn đạt giải kỳ 1 'Công dân với bầu cử'

Cuộc thi “Công dân với bầu cử” kỳ 1 sau một tuần đã thu hút 862 lượt thư bạn đọc ở khắp các tỉnh thành, đủ mọi ngành nghề, độ tuổi… tham dự.

Đề thi tưởng đơn giản nhưng rất nhiều bạn “rụng” ngay từ “vòng gửi xe” khi ở câu hỏi 1 xác định công dân Việt Nam có quyền bầu cử ở tuổi 16. Cũng có bạn nhầm độ tuổi bầu cử với độ tuổi ứng cử nên chọn câu d (21 tuổi)… Số thư dự thi trả lời sai câu 1 lên đến gần 80.

Rốt cuộc, còn 784 thư được lọt vào vòng 2. Đây là con số may mắn, giúp bốn bạn rinh giải kỳ này.

Ở câu 2, tình huống “ứng cử viên có hứa hẹn sẽ vận động xây nhà tình nghĩa, làm đường cho địa phương nếu được trúng cử...” tiếp tục làm “rơi rụng” hơn 200 thư.

Tổ chấm thi kiểm đếm thư dự thi. Ảnh: AS

Có hàng chục bạn trả lời theo kiểu… suy nghĩ cảm tính, giản đơn: “Theo tôi là được. Vì như vậy thì tốt cho cử tri địa phương mà!” (bạn Trần Bích Th. ở TP.HCM); “Việc hứa hẹn phải đảm bảo được quyền lợi của người dân và việc hứa hẹn đó không vì mục đích cá nhân của thành viên ứng cử” (bạn Nguyễn Thanh Ng. ở Tây Ninh).

Nhiều bạn hiểu không đúng luật. Chẳng hạn, bạn tên T. (TP.HCM) cho là việc hứa hẹn trên là hoàn toàn phù hợp với pháp luật, không phạm vào một trong những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử...

Bạn Trương Minh T. (Tiền Giang) cũng như hàng chục bạn khác có đọc đến Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng cho là hứa hẹn sẽ vận động xây nhà tình nghĩa, làm đường cho địa phương... là phù hợp với quy định pháp luật. Bạn T. nêu: Xem từ Điều 62 đến Điều 68 thì không có quy định cấm ứng cử viên thực hiện các việc trên!

“Phù hợp”, “luật không cấm”, “hành vi hứa hẹn như thế là tốt”, “không trái đạo đức, thuần phong mỹ tục…” cũng là quan điểm của nhiều bạn như bạn Thùy D; Ngân G. (Bình Phước), bạn ĐTT (Cà Mau), bạn HTNH (ở Rạch Giá, Kiên Giang)...

Một số bạn ở Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Bình nhầm lẫn khi dẫn Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để cho rằng việc hứa hẹn là bình thường, nằm trong chương trình hành động phải báo cáo trước cử tri…

Ở câu 2, tiếc cho nhiều bạn trả lời đúng ý: “Không phù hợp pháp luật” nhưng lại không viện dẫn đúng điều luật quy định nên bị mất điểm.

Đến phần “may rủi”, đối chiếu số dự đoán của từng bài dự thi với con số 784 người trả lời đúng câu 1, lại tiếc cho quá nhiều bạn. Bạn Lâm Thành Ý (Công an tỉnh Trà Vinh), bạn Đỗ Chí Thiện (Công an TP Cần Thơ), bạn Ngô Thiện Mỹ (Quảng Nam), bạn Bùi Tá Vinh (Quảng Ngãi)… và hàng trăm bạn đọc khác ở Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai… có số dự đoán quá xa với con số thực. Có bạn “bi quan” khi dự đoán... một người đáp trúng (?).

Có bạn không chọn hoặc chọn kiểu… đánh đố: “Có 75% số người đáp trúng câu 1”; “100%”… Như vậy là mất quyền lợi!

Đặc biệt, có bạn trả lời đúng cả hai câu, có số dự đoán sát nút nhưng trong câu 2, sau khi trả lời đúng ý, viện dẫn đúng điều luật lại “tán thêm” “Việc hứa hẹn như vậy là không thực tế bởi lẽ quyết định Quốc hội mang tính tập thể. Do đó, những cá nhân không thể quyết định được công việc của tập thể, nhất là những việc có liên quan đến quyền lợi của người dân” nên bị trừ mất 1 điểm, thành ra “hụt” giải”.

Nhiều bạn suýt trúng giải như bạn Cao Thị Lan Hương, dự đoán: 550; bạn Pham Thuy Thanh Thao (Bến Vân Đồn, phường 9, quận 4) dự đoán: 1.250… nhưng không sao, vui là chính, giải thưởng là... 10!

Còn ba ngày nữa mới hết hạn nhận bài dự thi kỳ 2, sao bạn không thử, nhanh tay vẫn còn kịp! Tham dự tại địa chỉ: http://plo.vn/thi-do-bau-cu.html

Đáp án, thang điểm

Câu 1: Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, công dân Việt Nam bao nhiêu tuổi trở lên có quyền bầu cử?

Trả lời: a. Từ đủ 18 tuổi trở lên;

• Bài dự thi chọn đúng đáp án a: 5 điểm. Bài trả lời sai câu này sẽ bị loại. Bài trả lời đúng câu này sẽ được tiếp tục đưa vào chấm vòng 2.

Câu 2: Khi tiếp xúc cử tri, ứng cử viên có hứa hẹn sẽ vận động xây nhà tình nghĩa, làm đường cho địa phương nếu được trúng cử... Việc hứa hẹn như trên có phù hợp quy định pháp luật không? (Dẫn điều luật và phân tích không quá 200 chữ)

Trả lời: Việc hứa hẹn như trên không phù hợp quy định của pháp luật. Khoản 4 Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 nêu rõ một trong những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử là “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

• Bài dự thi trả lời đúng ý: “Không phù hợp pháp luật”, “Không được hứa hẹn như thế”, “Hứa hẹn như thế là không đúng luật”… được 3 điểm.

Bài dự thi viện dẫn đúng khoản 4 Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 được 2 điểm.

Chỉ những bài đạt 10 điểm mới được xem xét vào chung cuộc, đối chiếu giữa dự đoán và thực tế bao nhiêu người trả lời đúng câu 1 để trao giải.

Xin chúc mừng các bạn đạt giải kỳ 1

1. Giải nhất:

Bạn đọc Lý Hồng Huấn (61 Nguyễn Huệ,  phường 1, TP Tân An, Long An). Số dự đoán: 879/784.

2. Giải nhì:

Bạn Nguyễn Thị Bạch Cúc (304/9 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Số dự đoán: 573/784.

Hai giải ba gồm:

+ Bạn Đỗ Cao Long (27E cư xá Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM). Số dự đoán: 568/784.

+ Bạn Trịnh Văn Đoan (Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, 209 Yersin, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Số dự đoán: 1.024/784.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm