Đợt này có 1.132 người trong số 1.144 học viên tham dự khóa học “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” (năm 2014-2015) đủ tiêu chuẩn được CXB cấp chứng chỉ hành nghề - tức tỉ lệ đậu hơn 95%, chỉ có 12 người “rớt”. Theo lời ông cục trưởng CXB, từ 1-1-2016, những biên tập (BTV) và cả tổng biên tập, giám đốc NXB chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập mà vẫn đứng tên trên sách thì hệ thống máy tính của CXB sẽ không thông qua và cuốn sách đó không thể phát hành ra thị trường. Đây coi như một sự chấn chỉnh ngành xuất bản mà lâu nay lắm lời ong tiếng ve. Nhưng để coi hiệu quả của việc cấp chứng chỉ đại trà khá vui này ra sao.
Chuyện có chứng chỉ mới được đứng tên biên tập thoạt nghe rất hay. Vì bản thân tôi sau khi giã từ nghề báo đã từng nhiều năm biên tập hàng trăm đầu sách đủ thể loại: từ triết học, học thuật, tôn giáo, văn học… tới kỹ năng sống, tình yêu - hôn nhân - gia đình… Biên tập thuê cho vài công ty làm sách tư nhân vốn là chỗ bạn bè, anh em. Các công ty này đứng ra lo tổ chức bản thảo rồi ký hợp đồng liên kết với các NXB để lấy giấy phép, rồi nhờ người biên tập, nhờ họa sĩ trình bày, lo in và phát hành từ A đến Z. Dĩ nhiên sách do giám đốc NXB “chịu trách nhiệm xuất bản”, rồi có NXB lại thêm tổng biên tập “chịu trách nhiệm bản thảo”. Và đứng tên biên tập phải là “cán bộ biên tập” của NXB. Mà thật ra các bạn ấy có lẽ chỉ đọc lại bản in thử mà thôi. Còn mình là “dân ngoài luồng” nên biên tập xong thì nhận thù lao. Những “cán bộ biên tập” ấy chẳng cần biết tôi là ai nhưng tôi may mắn hơn vì có đọc thấy tên họ trên trang lưu chiểu sách.
Tôi không biết những BTV được cấp chứng chỉ hành nghề vừa qua được huấn luyện hay đào tạo biên tập ra sao. Nhưng theo tôi, trừ những BTV đã có kinh nghiệm biên tập, đối với các BTV mới thì với một chứng chỉ hành nghề như thế vẫn chưa đủ để họ hành nghề. Tôi đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc NXB Tri Thức. Bà Thủy bảo rằng: “… Nếu nói có chứng chỉ hành nghề là các BTV đã được đào tạo về chuyên môn thì không phải”. Thật vậy, về nguyên tắc, muốn biên tập một bài báo, một cuốn sách, người biên tập phải có một trình độ chuyên môn nhất định về mảng đề tài mà mình phụ trách. Có nghĩa là ít nhất BTV phải nắm bắt được ý đồ của tác giả trước khi đặt bút“biên tập”. Tôi đã từng nghe nhiều nhà văn nổi tiếng và cộng tác viên báo chí tên tuổi than phiền là bị các BTV “chọc bút ngoáy vào tác phẩm” mà hình như họ không hiểu tác giả muốn viết gì! Chính bản thân tôi cũng nhiều phen đau khổ muốn bỏ bút vì một số BTV báo mình cộng tác chọc bút vào bài viết hay “cắt đầu, cắt đuôi” đoạn viết mình tâm đắc nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nuốt cục ức vào lòng cho nó nguôi.
Nhân đây cũng xin được góp ý cái tên “Cục Xuất bản, In và Phát hành” nghe không ổn. Bởi các từ “xuất bản” và “phát hành” là từ Hán-Việt, trong khi từ “in” chen giữa là từ thuần Việt. Việc ghép các từ đó với nhau nghe rất gượng ép nếu không nói là kỳ cục. Xin “biên tập” thành “Cục Xuất bản, Ấn loát và Phát hành”. Hay gọn hơn là “Cục Xuất bản và Ấn hành” cũng đã đủ ý đủ nghĩa rồi.