Chứng khoán xuống mạnh nhất kể từ vụ bầu Kiên

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, thị trường tuột dốc và rớt điểm mạnh. Áp lực bán tăng dần đều khiến Vn-Index hạ 16,72 điểm, lùi về 473,02 điểm. Trong phiên, có thời điểm Vn-Index mất tới 23 điểm, tương đương mức giảm vào ngày ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt cách đây gần một năm.

Ngoại trừ STB về giá tham chiếu, toàn bộ cổ phiếu rổ VN30 chìm trong sắc đỏ, riêng DIG và GMD xuống sàn. Trong đó DIG bị các nhà đầu tư mạnh tay bán, hôm nay cũng là phiên giao dịch đầu tiên của mã này sau khi vào diện cảnh báo.

Sàn Hà Nội ngay từ khi mở cửa cũng gần như lao dốc không phanh, rơi từ mốc 64 điểm và xuống 62 điểm. Tương tự rổ VN30, không một cổ phiếu nào trong rổ HNX30 tăng hoặc đứng giá. Áp lực bán mạnh nhất tập trung vào các mã SHB, PVX, SCR… Trong khi áp lực bán tăng dần, nhiều nhà đầu tư vẫn tranh thủ mua VCG, PVL, PVV ở giá sàn.

Chứng khoán xuống mạnh nhất kể từ vụ bầu Kiên ảnh 1

Chứng khoán đang trải qua những ngày rơi mạnh nhất. Ảnh: Hoàng Hà
Một chuyên gia tại Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã CK: SHS) nhận định, nguyên nhân giảm điểm chính của Vn-Index hôm nay vẫn là do ảnh hưởng từ các đợt bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài trong suốt những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc giá vàng đang xu hướng giảm và tỷ giá USD tăng nhẹ cũng có thể là yếu tố khiến dòng tiền trong chứng khoán chuyển bớt qua 2 kênh này. Theo chuyên gia này, thị trường phiên hôm nay thể hiện tâm lý nhà đầu tư đã không còn bình tĩnh và có hiện tượng ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Nhiều blue-chip còn có thời điểm dư bán sàn. Xu hướng thị trướng sắp tới sẽ vẫn tiếp tục giảm xen lẫn một số phiên tăng nhẹ trở lại nhưng chỉ mang tính chất phục hồi kỹ thuật của thị trường. "Với những phiên bán tháo này, nhà đầu tư cần bình tĩnh chờ sự hồi phục ngắn hạn để giảm tỷ trọng cổ phiếu, có thể ở trong phiên hoặc sang phiên tiếp theo. Hành động bắt đáy lúc này vẫn được xem là mạo hiểm", chuyên gia này nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng giai đoạn này, thị trường đang rất nhạy cảm do các thông tin vĩ mô tốt đều đã công bố hết. Tín hiệu tích cực cũng phản ánh xong vào giá. Dự kiến 1-3 tháng tới, nhiều khả năng thị trường không còn tin gì mới để hỗ trợ.  “Những nhà đầu tư nắm cổ phiếu lớn từ hồi đầu năm đã gần như chốt lời xong, sau đó họ buông tay khiến thị trường rớt giá và không còn dòng tiền lớn tiếp sức”, ông Khánh phân tích. Trong ngắn hạn, thị trường có thể đi ngang hoặc giảm tiếp, chứ khó có cơ hội tăng điểm. Phải sang tháng 7, mọi thứ mới dần ổn định lại, ông Khánh nói thêm. Dù vậy, đây vẫn được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư chơi cổ phiếu theo chiến lược dài hạn, thời gian nắm giữ ít nhất 6 tháng trở lên đối với những mã tăng giá cao hồi đầu năm. Còn những người thích lướt sóng ngắn, hay dùng margin chỉ nên đứng ngoài thị trường, ông Khánh nhấn mạnh. Theo ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia chiến lược tại Công ty chứng khoán MB, không chỉ thị trường ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng giảm mạnh trong thời gian qua. Trong đó, thị trường Thái Lan và Indonesia bị rút vốn trên một tỷ USD. Nguyên nhân vẫn là nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sau thông tin giảm gói kích thích kinh tế QE3 mà Chủ tịch FED đưa ra. Còn chứng khoán Việt Nam, theo ông Sơn do không đón nhận dòng vốn lớn từ nước ngoài nên áp lực bị rút ròng cũng không nhiều, chỉ khoảng 40 triệu USD. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn chịu những ảnh hưởng nhất định, dẫn tới sự sụt giảm của thị trường trong những tuần gần đây. Bình luận về phiên giảm mạnh trong phiên giao dịch 25/6, chuyên gia này cho rằng có sự cộng hưởng đến từ nhà đầu tư trong nước. “Đến giữa phiên hôm nay, thị trường gặp áp lực bán tháo đến từ các nhà đầu tư trong nước, khi họ chủ động giảm tỷ lệ vay ký quỹ xuống vì nhận thấy rủi ro. Trong phiên, có lúc VN-Index giảm điểm mạnh tương đương đợt bán tháo từ sự kiện bầu Kiên hồi năm 2012”, ông Sơn nhận xét. Cũng theo phân tích của chuyên gia này, khó có thể dự đoán chứng khoán Việt Nam sẽ đi xuống tới khi nào, vì còn phụ thuộc vào các thông tin từ các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, thị trường Trung Quốc đang rất rủi ro vì tác động của bong bóng tín dụng và bất động sản, cùng với việc lãi suất repo qua đêm đã tăng từ mức 4% lên tới 12%. “Nhưng nếu phân tích theo các ngưỡng kháng cự thì xấu nhất, Vn-Index có thể xuống mức 460, tức là có thể điều chỉnh thêm một hoặc 2 tuần nữa”, ông Sơn nói thêm. Anh Long, nhà đầu tư tại sàn Chứng khoán HSC chia sẻ phiên giảm mạnh hôm nay làm danh mục anh mất khoảng 10%. Tuy nhiên, anh kiên quyết không bán tháo theo các nhà đầu tư khác mà tiếp tục chờ đợi phiên phục hồi trong những ngày tới để vớt vát chút lời. Hiện danh mục của anh Long chủ yếu gồm hai mã thuộc cả sàn Hà Nội và TP HCM. Anh cho biết vừa mua số cổ phiếu này vào phiên cuối tuần trước, đúng vào ngày quỹ ETF chốt danh mục. Tuy nhiên, “chỉ một ngày sau, chứng khoán thế giới lại giảm mạnh, cộng thêm các yếu tố khác ở Việt Nam khiến thị trường trong nước cũng mất điểm, tôi chưa kịp lãi thì phải hứng lỗ”, anh Long than thở.
Theo Tường Vi - Hàn Phi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm