Nhìn lại sự phát triển của một số đô thị du lịch biển ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thách thức mà các đô thị này gặp phải trên con đường phát triển bền vững.
Hạ Long: Đảo nguyên sơ bị đô thị hóa
Nếu có dịp ngắm tổng thể vịnh Hạ Long từ trên cao, chúng ta sẽ thấy di sản thiên nhiên thế giới này dường như đang bị xé ra từng mảnh. Nhiều ngọn đồi đã biến thành đồi trọc; nhiều thảm thực vật và nhiều loài động vật có nguy cơ biến mất; các hòn đảo nguyên sơ của vịnh Hạ Long đang bị đô thị hóa dần dần.
Rõ ràng chúng ta đang vô tình hoặc cố tình làm mất đi những giá trị của tài nguyên, những tiền đề để phát triển du lịch. Hạ Long mơ màng và tĩnh lặng, Hạ Long với vẻ đẹp siêu nhiên gắn với huyền thoại rồng thiêng đang dần bị hiện thực hóa bởi bàn tay thô bạo của con người.
Chúng ta đã có những bài học đối với sự phát triển chồng chéo của nhiều ngành kinh tế xung quanh khu vực vịnh Cửa Lục. Riêng sự phát triển du lịch và đô thị đã là nguyên nhân chính làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, một trong những hệ sinh thái cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong chu trình sinh thái tự nhiên của môi trường vịnh Hạ Long.
Chúng ta cũng đã rút ra nhiều bài học khi chứng kiến sự phát triển lộn xộn của khu vực Bãi Cháy, nguyên nhân là do chậm trễ về quy hoạch và yếu kém trong quản lý sau quy hoạch. Các khách sạn, nhà nghỉ ở đây được thiết kế theo rất nhiều phong cách khác nhau. Ngôn ngữ kiến trúc thiếu đồng nhất tạo nên một bức tranh tổng thể xô bồ và hỗn loạn. Các giá trị cảnh quan đặc sắc của vịnh Hạ Long hầu như chưa được khai thác để tham gia vào cấu trúc không gian cũng như hình thái đô thị du lịch. Tầm nhìn ra vịnh bị các công trình xây dựng che khuất quá nhiều. Hệ thống không gian mở, quảng trường và các điểm nhấn đô thị chưa được quy hoạch, thiết kế để tạo ra bản sắc kiến trúc đặc trưng cho TP.
Kiến trúc cảnh quan đô thị dọc bờ biển Vũng Tàu bị xé nát với những khách sạn tư nhân theo hình thức quy hoạch “chia lô”. Ảnh: HTD
Với những hạn chế trên, từ vị thế là một đô thị du lịch di sản, TP Hạ Long đã trở thành bài học điển hình cho việc khai thác tài nguyên manh mún và thiếu tầm nhìn. Do đó, cũng không quá ngạc nhiên khi UNESCO đã phải hai lần cảnh báo về việc Hạ Long có thể mất đi danh hiệu di sản thế giới do có những dấu hiệu báo động về chất lượng môi trường.
Vũng Tàu: Không gam màu chủ đạo
Giống như vịnh Hạ Long, thiên nhiên đã dành rất nhiều ưu đãi cho Vũng Tàu. Nơi đây có bờ biển dài với nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, khí hậu bốn mùa dễ chịu. TP này còn có thế mạnh về cảng biển, đồng thời còn là trung tâm dầu khí lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, Vũng Tàu đã lúng túng trong việc xác định một cách mạch lạc ranh giới các không gian khai thác tài nguyên và kiểm soát chất lượng môi trường nhằm tránh những mâu thuẫn trong quá trình phát triển.
Dưới khía cạnh bản sắc đô thị, Vũng Tàu giống như một bức tranh nhạt nhòa do không định hướng được gam màu chủ đạo. Kiến trúc cảnh quan cũng bị xé nát với sự mọc lên như nấm của các khách sạn tư nhân theo hình thức quy hoạch “chia lô”. Có thể nói xu hướng quy hoạch này đã trở thành một thói quen xấu, có sức lan tỏa nhanh và rộng trong hầu hết các đô thị ở Việt Nam.
Cảnh quan khu vực trung tâm TP Vũng Tàu thể hiện rõ tàn tích của một giai đoạn phát triển manh mún và nhộn nhạo. Toàn bộ mặt tiền của Núi Nhỏ là những hình khối kiến trúc loang lổ, lai tạp, không rõ phong cách, không theo bất cứ vần luật và nhịp điệu nào. Cùng đó, cũng đã có nhiều dấu hiệu ô nhiễm về chất lượng nước biển và môi trường không khí trong các không gian hoạt động du lịch tại Vũng Tàu.
Từ những dẫn chứng trên, có thể khẳng định việc xác định chiến lược phát triển đô thị với một “rừng mũi nhọn” đã khiến các đô thị du lịch biển đứng trước nhiều thách thức lớn. Đó là sự suy giảm về chất lượng tài nguyên và môi trường; sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được gam màu chủ đạo cho bức tranh đô thị. Hệ quả là chất lượng sống của người dân cũng như du khách bị suy giảm trầm trọng. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa được các nhà quản lý và đầu tư nhận thức như một bài học kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển các đô thị du lịch biển.
TS-KTS NGUYỄN THU HẠNH, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững
HOÀNG VÂN ghi