Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng (ảnh), nhấn mạnh khi nói về vấn đề giữ gìn cảnh quan đô thị du lịch biển.
Chú ý mật độ xây dựng
. Với những công trình xây dựng đã phá hỏng vẻ đẹp của biển, chúng ta phải ứng xử như thế nào, thưa ông?
Với những công trình ở vào thế đã rồi, chúng ta chỉ có thể sửa chữa bằng cách bồi thường cho chủ công trình một khu đất khác, sau đó khôi phục lại cảnh đẹp trước đó. Theo tôi, khu vực Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) có thể thực hiện được cách làm này.
Mặt khác, cần hạn chế việc chia lô ven biển để xây resort bởi điều đó sẽ làm mất không gian công cộng ven biển. Tại nhiều bãi biển, khi chưa làm khu nghỉ dưỡng, người dân có thể đi lại tự do trên bờ, thích thì xuống biển tắm. Còn bây giờ lại hơi khó để làm được điều đơn giản như vậy. Khi xây dựng quy hoạch cho đảo Phú Quốc, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn dành hẳn những quảng trường công cộng gắn với biển luôn. Những khu vực này dứt khoát không phân cho các nhà đầu tư.
Mật độ xây dựng ở các vùng biển đẹp cũng là một vấn đề quan trọng. Vì lợi nhuận, các nhà đầu tư thường muốn xây thật nhiều resort, nhà nghỉ, khách sạn... Tuy nhiên, mật độ xây dựng, chiều cao công trình phải tùy thuộc vào loại hình đô thị và thiên nhiên ở vùng biển đó. Nếu quy hoạch thể hiện chỗ này phải giữ làm cảnh quan thì dứt khoát phải thực hiện đúng, không thể lấy lý do này nọ để “nhét” vào đó một khu nghỉ dưỡng hay khách sạn cao tầng. Giữ cảnh quan ở đây là để phát triển kinh tế du lịch chứ không phải cứ xây nhà nghỉ, khách sạn, đường sá… mới là làm du lịch.
Giữ gìn cảnh quan nguyên sơ là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch biển. Ảnh: HTD
Phố đi bộ...
. Thế còn việc xây dựng đường ngay sát bờ biển làm phá hỏng cảnh quan, mất đi vẻ tĩnh lặng của những bãi biển thì có sửa được không, thưa ông?
+ Tại một số bãi biển, người ta đã làm những tuyến đường lớn ngay bờ biển để du khách thuận tiện tiếp cận với khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nha Trang có đường Trần Phú ở ngay sát bãi biển, Đà Nẵng cũng có một con đường ngăn cách bãi biển với khách sạn, Vũng Tàu có con đường trước biển rất lâu rồi… Một số bãi biển trên thế giới cũng mắc phải lỗi tương tự, thậm chí một bãi biển đẹp của TP du lịch biển nổi tiếng Hawai (Mỹ) cũng không ngoại lệ.
Theo tôi, điều này vẫn có thể sửa chữa, cải tạo được. Cách làm đơn giản nhất là hạn chế xe cộ đi lại trên con đường và trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan. Khi đó, con đường chỉ dành cho người đi bộ và tổ chức các sự kiện du lịch, bán hàng lưu niệm... Ở Hawai, cứ vào cuối tuần là họ lại ngăn đường ven biển lại không cho ôtô đi.
. Theo ông, các đô thị du lịch biển Việt Nam cần làm gì để thu hút du khách?
+ Muốn phát triển du lịch, mỗi đô thị phải có cách làm nổi bật nét đặc sắc của mình để thu hút du khách một cách bền vững nhất. Tuy nhiên, cảnh quan là yếu tố quan trọng nhất trong du lịch, vì vậy làm gì cũng phải gìn giữ cảnh quan ven biển.
Trên thế giới có những vùng biển thua xa các bãi biển Việt Nam về cảnh quan nhưng người ta vẫn cứ đổ xô đến đó nghỉ dưỡng. Có thể là ở đó hàng hóa rẻ, người ta đi mua sắm kết hợp du lịch. Nhưng cũng có thể do du khách bị hấp dẫn bởi một trò gì đó. Bản chất của du lịch là đi đâu, ngắm gì, ăn gì, mua gì, người làm du lịch cần nắm được tâm lý này để nghiên cứu thêm những món có thể thu hút du khách.
. Xin cảm ơn ông.
ÔngLÊ ĐÌNH TRI,Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng) Không ủng hộ công trình làm ảnh hưởng tới cảnh quan biển Theo quy định, không được xây công trình sát biển dàn theo hàng ngang. Việc xây dựng cũng không được làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách. Dưới góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ Xây dựng không ủng hộ, khuyến khích duyệt các dự án hoặc những quy hoạch làm ảnh hưởng đến cảnh quan ở trước biển, cửa sông. Hiện Đà Nẵng có nhiều dự án nằm sát bờ biển, hầu hết là nhà hàng, khách sạn… của doanh nghiệp tư nhân. Các dự án này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Thậm chí ở một số nơi người dân muốn đi ra biển phải đi qua cơ sở làm dịch vụ. Điều này rất vô lý! Cần có quy hoạch dài hạn cho Hạ Long Hạ Long ngày nay khác nhiều so với Hạ Long yên bình của mấy chục năm trước. Quá trình đô thị hóa đã làm xuất hiện nhiều mặt tiêu cực ở TP này, trong đó đáng nói nhất là môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, nước biển ngày càng ô nhiễm. Hạ Long có hai sản phẩm đặc trưng là du lịch biển và du lịnh sinh thái. Để giữ được đặc trưng này, con người phải tuyệt đối không được xâm hại cảnh quan tự nhiên. Muốn vậy, các cấp thẩm quyền cần có quy hoạch dài hơi 30-40 năm, thậm chí là cả trăm năm cho TP chứ không phải quy hoạch ngắn hạn, chỉ sau 2-3 năm lại điều chỉnh như hiện nay. ÔngNGUYỄN VĂN MINH,khu 2, phường Hồng Hải, TP Hạ Long Resort chặn hết đường xuống biển Tôi sinh ra và lớn lên ở Hàm Tiến, Phan Thiết. Hơn 10 năm nay, biệt thự, resort mọc lên như nấm, đẹp đẽ thật nhưng lại khóa chặt hết đường xuống biển của ngư dân. Trước đây chỉ cần vài bước chân, chúng tôi có thể đẩy ngay được chiếc thúng xuống biển để đi đánh bắt gần bờ. Bây giờ thì khác, để đẩy được chiếc thúng xuống biển chúng tôi phải đi thật xa mới tìm được đường xuống biển. ÔngTRẦN VĂN TUẤN, Nha Trang thay đổi quá nhiều Hồi giải phóng, khi từ TP.HCM hành quân trở về Bắc, chúng tôi rất thích thú với vẻ đẹp thanh mát của thị xã ven biển Nha Trang. Khi đó nơi đây đầy dừa xanh cát trắng, lồng lộng gió biển trong lành. Nhưng giờ trở lại mọi chuyện đã khác, bờ biển Nha Trang có cả một dãy nhà cao tầng tạo thành bức tường thành chắn hết gió biển. Đi du lịch ở TP biển mà cả đêm tôi ngột ngạt không ngủ được. Có ngọn gió nào lọt nổi vô phía trong TP đâu. ÔngNGUYỄN VĂN LÂM,cựu chiến binh Sư đoàn 320 |
HOÀNG VÂN thực hiện