Ngay sau đó, một bạn đọc ở Nha Trang đã có bài viết thể hiện quan điểm tương tự với dẫn chứng từ chính TP này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Lịch sử hình thành đô thị Nha Trang được tính từ ngày 30-4-1924, khi vua Khải Định ra đạo dụ lấy vùng đất hạ nguồn sông Cái, tiếp giáp với biển Đông để thành lập thị trấn Nha Trang. Khi mới thành lập, thị trấn Nha Trang còn rất hoang sơ, chỉ có một số ít công trình kiên cố. Chưa đầy một thế kỷ sau, Nha Trang đã trở thành một đô thị lớn có tốc độ phát triển đến chóng mặt nhưng cũng mất dần vẻ đẹp thanh bình vốn có.
Vấn nạn nhà cao tầng
“Trong những năm 1960, đường Trần Phú (lúc ấy là đường Duy Tân) chưa phải là trung tâm du lịch như bây giờ. Khách về nghỉ mát chủ yếu ở tại khu vực đường Thống Nhất, Hoàng Văn Thụ…, chiều chiều đi bộ ra tắm biển” - họa sĩ Thanh Hồ nhớ lại. Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng lên TP nhưng dân số chỉ có 21 vạn người. Trong gần 20 năm sau đó, Nha Trang vẫn giữ được nét yên bình của một TP biển.
Thế nhưng trong khoảng 15 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa tại Nha Trang diễn ra nhanh đến chóng mặt. Những công trình cao tầng đua nhau mọc lên, cái sau cao hơn cái trước. Đầu tiên là khách sạn Lodge cao 14 tầng, tiếp đến là Sunrise, Novotel, Sheraton… và bây giờ là Hoàn Cầu, Crown Plaza, Nha Trang Plaza (cao nhất TP với 40 tầng, 119 m).
Đề cập đến “vấn nạn” nhà cao tầng ở đường Trần Phú, các kiến trúc sư (KTS) ở Khánh Hòa đều cho biết đã nhìn thấy từ trước. KTS Nguyễn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, bày tỏ: “Từ 20 năm trước, chúng tôi đã có ý kiến cần hạn chế xây nhà cao tầng ở đường Trần Phú. Nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy, dự án nối tiếp dự án khiến đường Trần Phú ngày càng ngột ngạt”.
Khách sạn cao tầng nằm sát biển đã phá vỡ vẻ đẹp của Nha Trang. Ảnh: VIỆT ANH
Theo ông Lộc, căn bệnh lớn nhất của các đô thị Việt Nam là liên tục điều chỉnh quy hoạch để chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt. “Chủ đầu tư không bao giờ quan tâm đến không gian đô thị mà chỉ muốn cái có lợi nhất cho mình. Đất Nha Trang đắt như vàng nên ai cũng muốn tận dụng để xây nhà cao tầng. Lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước phải bám sát quy hoạch: chỗ nào xây cao bao nhiêu, chỗ nào dành cho công trình văn hóa, chỗ nào có thể phát triển kinh tế… Đằng này, họ cứ nghe nhà đầu tư thuyết trình êm tai là cho làm” - KTS Nguyễn Lộc nói thêm.
KTS Bùi Dũng, Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa, có ý kiến: “Nha Trang là một đô thị du lịch biển, cần có những khách sạn cao tầng nhưng phải tính toán để có mật độ xây dựng phù hợp. Cứ cái đà này, ai dám chắc vài năm nữa những công trình thấp tầng hiện nay sẽ không biến thành nhà cao tầng?”.
Ngoài ra, Nha Trang cũng đang gặp phải nhiều “căn bệnh” trầm kha khác. Toàn TP hiện không có bãi đỗ xe công cộng, xe chở khách du lịch, xe taxi phải chiếm dụng lòng đường làm nơi đậu xe. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của TP rất kém, chỉ cần trận mưa lớn là các con đường nội thành đã biến thành sông. Điều đó khiến đô thị du lịch biển này mất dần sự quyến rũ vốn có.
Vẫn còn cơ hội sửa sai?
Tuy rất thất vọng với hiện trạng kiến trúc đô thị của Nha Trang nhưng nhiều KTS vẫn cho rằng TP còn cơ hội “sửa sai”. KTS Bùi Dũng đề nghị: “Lãnh đạo tỉnh cần kiên quyết không cho xây dựng các công trình cao tầng ở những khoảng đất trống còn lại ở đường Trần Phú. Tỉnh cũng cần kiên quyết thu hồi những phần đất đã giao cho doanh nghiệp ở phía đông đường Trần Phú để trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho bờ biển Nha Trang”.
Theo các KTS, đường Phạm Văn Đồng (nối dài đường Trần Phú) chưa có nhiều công trình cao tầng nên có thể tạo dựng bề mặt đô thị đẹp mắt. Muốn vậy, tỉnh cần phải lập quy hoạch chặt chẽ, làm sao để con đường này không trở thành đường Trần Phú thứ hai. Khi sân bay Nha Trang được chuyển đổi thành đất dân sự cũng cần có quy hoạch về không gian kiến trúc (bên cạnh quy hoạch chung) để góp phần tạo dựng nên vẻ đẹp của một đô thị biển.
Nha Trang hiện đang mở rộng về phía tây, một số cơ quan hành chính cũng sẽ được di dời khỏi trung tâm TP. Điều này sẽ tạo ra những khoảng đất trống để xây dựng mới. “Tôi hy vọng tỉnh sẽ dành một quỹ đất đáng kể để xây dựng các công trình văn hóa như bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát… phục vụ cộng đồng cũng như du khách. Đây cũng là một cách để phát triển du lịch, chứ làm du lịch không nhất thiết là cứ phải xây khách sạn cao tầng” - KTS Nguyễn Lộc bày tỏ.
Nha Trang như sân khấu ngược Nha Trang có ba mặt là núi, phía đông giáp biển. Theo nguyên tắc xây dựng, các công trình phải được xây dựng từ thấp đến cao tính từ biển hướng vào trung tâm TP. Thế nhưng ở Nha Trang lại diễn ra tình trạng ngược lại. Bởi vậy, nhìn tổng thể TP Nha Trang bây giờ không khác gì một sân khấu ngược, những cái ghế (công trình) gần với sàn diễn (vịnh Nha Trang) lại cao nhất làm khuất tầm nhìn ở phía sau”. Nhà báo LÊ BÁ DƯƠNG Theo quy định của Bộ Quốc phòng, các công trình nằm trong bán kính 30 km tính từ sân bay Nha Trang không được cao quá 50 m. Thế nhưng không hiểu sao các chủ đầu tư vẫn xin được giấy phép cho các công trình cao đến trên dưới 100 m. KTS NGUYỄN LỘC |
VIỆT ANH