Ngày 15-10, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (SOUTH VINA - KCN Trà Nóc II, TP Cần Thơ) phối hợp với UBND quận Bình Thủy và liên danh nhà thầu THIBICO và DELTA TECH tổ chức lễ khởi công dự án “Kéo điện qua Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ”. Công trình có tổng vốn khoảng 8 tỉ đồng, do SOUTH VINA đầu tư theo chủ trương xã hội hóa của chính quyền TP Cần Thơ, khi đưa vào sử dụng giải quyết nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất cho trên 400 người dân đang sinh sống trên Cồn Sơn - cồn trên sông Hậu từ hơn 30 năm chưa có điện.
Chia sẻ với chính quyền để ánh điện bừng sáng Cồn Sơn
Cồn Sơn thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) có diện tích trên 67 ha, là một trong bốn cồn tự nhiên nằm trên sông Hậu đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ. Từ đường Lê Hồng Phong (quận Bình Thủy, Cần Thơ) rẽ vào con hẻm nhỏ dẫn xuống bến đò Cô Bắc và thêm khoảng 5-6 phút ngồi đò máy để vượt đoạn sông khoảng 600 m là mọi người có thể đặt những bước chân đầu tiên lên đất Cồn Sơn. Khoảng cách về địa lý không xa là mấy. Thế nhưng hàng chục năm qua, trên 80 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu cư trú trên Cồn Sơn đang chịu cảnh không điện.
Vì không có điện nên bà con ở đây gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, phục vụ sản xuất kinh doanh, bơm tưới cây trái, rau màu… Ở Cồn Sơn, trời vừa mới nhá nhem tối là đã thưa vắng bóng người, mọi nhà đều cửa đóng then cài vì điện đóm không có, đường sá không đèn, đi lại khó khăn… Các hộ dân phải sử dụng bình ắcquy để thắp sáng, xem tivi... Không điện nên chỉ có dân ở Cồn Sơn mới sạc điện thoại di động từ bình ắcquy. Lãnh đạo TP và quận đều trăn trở, mong muốn Cồn Sơn có điện lưới để phục vụ nhu cầu người dân. Thế nhưng do điều kiện ở đây dân sống rải rác, chi phí kéo điện rất cao, vả lại kéo điện lưới quốc gia qua Cồn Sơn phải đầu tư bằng hệ thống mạng lưới điện ngầm hoặc phương án kéo điện tĩnh không. Cả hai phương án đều gặp khó vì nguồn kinh phí lớn và nhiều trở ngại về kỹ thuật cũng như việc bảo đảm cho tàu bè qua lại, ra vào khu cảng Cần Thơ…
Ông Trần Văn Quang (thứ ba từ trái sang) tại lễ khởi công dự án kéo điện qua Cồn Sơn. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT SOUTH VINA, bày tỏ: “Cồn Sơn là vùng đất trù phú, lại có một vị thế đẹp nên tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch là rất lớn. Do đó khi đầu tư vào đây, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ khó khăn người dân, trăn trở của các cấp chính quyền khi ở đây không có điện kéo dài nhiều năm”. Cũng theo ông Quang, xuất phát từ phương châm doanh nghiệp phát triển phải đồng hành, chia sẻ với cộng đồng, địa phương, SOUTH VINA nhận thấy phải làm điều gì đó cho người dân địa phương. Qua đó, góp phần chia sẻ khó khăn với địa phương trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng cho mảnh đất Cồn Sơn. Từ trăn trở, thấu hiểu này, SOUTH VINA đã thống nhất, quyết định đầu tư dự án kéo điện qua Cồn Sơn.
Được sự chấp thuận và ủng hộ của các cấp chính quyền TP Cần Thơ và quận Bình Thủy, SOUTH VINA đầu tư lưới điện cáp ngầm vượt sông Hậu, kéo điện về Cồn Sơn với công suất 1.600 KVA, với tổng kinh phí khoảng 8 tỉ đồng, trong đó lưới điện đi ngầm dưới sông có chiều dài trên 800 m. Công trình do liên danh nhà thầu THIBICO và DELTA TECH thực hiện và dự kiến đầu năm 2013 sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho rằng: “Cùng với các công trình đê bao chống lũ, triều cường và công trình nước sạch do chính quyền địa phương và TP đầu tư trước đây, nay thêm dự án kéo điện về Cồn Sơn qua đó sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nơi đây. Dự án cũng nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vùng đất phù sa Cồn Sơn, tạo tiền đề cho ngành thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển, nhanh chóng làm thay đổi diện mạo Cồn Sơn. Đây cũng là công trình kỷ niệm 10 năm thành lập quận Bình Thủy, thể hiện công tác xã hội hóa của các cấp chính quyền, đoàn thể của quận, cùng các DN tham gia chung tay góp sức xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương”.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của SOUTH VINA. Ảnh: HẢI ĐĂNG
“South Vina có lương duyên với bà con nông dân”
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc SOUTH VINA, người đã từng khăn gói xuống Cần Thơ để... nuôi cá từ những năm cuối của thập niên 1990 bày tỏ: “Cũng nhờ học nghề nuôi cá từ người dân, phối hợp với người dân để mở rộng vùng nuôi và phát triển, tôi trân trọng vì mối “lương duyên với bà con nông dân”. Vì vậy, chia sẻ khó khăn là thể hiện cái tình của mình với người dân, trong đó có người dân Cồn Sơn hàng bao năm không có điện phục vụ sản xuất, kinh doanh”.
Muốn phát triển bền vững thì không thể tách rời trách nhiệm cộng đồng với người dân, với chính quyến địa phương nên hơn 12 năm kể từ khi đến Cần Thơ để đầu tư vào con cá tra, DN do ông Trần Văn Quang cùng các đối tác, thân hữu đầu tư đã có bước phát triển và nền móng vững chắc. Đó là thương hiệu SOUTH VINA, Nhà máy Công nghệ Thực phẩm Miền Tây (WEST VINA) và Công ty TNHH MTV Chế biến Thức ăn chăn nuôi Tây Nam (SOUTHWESTFEED).
So với các DN nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu ở vùng ĐBSCL thì SOUTH VINA có tuổi đời rất trẻ vì chỉ mới thành lập năm 2005 với mặt hàng chủ lực là cá tra. Dù vậy, ngay từ đầu mục tiêu chính sách của SOUTH VINA là “Niềm tin, uy tín và chất lượng hàng đầu”. Công ty đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín và công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy được xây dựng hiện đại và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia cũng như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm chính là cá tra và cá ba sa fillet đông lạnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU, Nam Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, Hong Kong, Nga, Nam Phi và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Công ty cũng đã nhận các chứng nhận như HACCP, HALAL, ISO 17025, ISO 22000, BRC, IFS, GLOBAL G.A.P, EU CODE: DL 14, DIPOA 0002/DL 14.
Ngoài chế biến xuất khẩu cá tra, SOUTH VINA còn có các đơn vị thành viên như WEST VINA và SOUTHWESTFEED tọa lạc tại KCN Trà Nóc II được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 8-2010. Trong đó, WEST VINA sở hữu hệ thống kho lạnh với tổng diện tích 16.000 m2, có sức chứa 16.000 pallet (16.000 tấn), chia làm sáu kho. Trong đó, sức chứa của kho thấp nhất là 1.600 tấn, kho có sức chứa lớn nhất là 5.000 tấn. Đây là một trong những hệ thống kho lạnh có quy mô, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhất; đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo quản hàng hóa thủy sản đông lạnh, thịt đông lạnh… trong quá trình lưu trữ và bảo quản tại đây cũng như đáp ứng yêu cầu truy xuất chính xác từng chủng loại, số liệu… và mọi yêu cầu của khách hàng. Với SOUTHWESTFEED, sản phẩm chủ yếu là dầu cá (Oil Fish) và bột cá (Fish Meal). Trong đó, bột cá là sản phẩm cung cấp 50%-70% protein và 3%-10% chất béo... là nguồn bổ sung đạm cho thức ăn nuôi trồng thủy sản. Riêng dầu cá thông thường có dạng chất lỏng dùng để làm viên nang có chứa acid béo omega 3, như bổ sung sức khỏe con người.
“Khi tôi đặt vấn đề, anh em trong HĐQT cũng như tập thể ban giám đốc công ty đều ủng hộ tuyệt đối. Chúng tôi quyết tâm làm với mục tiêu đầu năm 2013 Cồn Sơn sẽ có điện” - ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc SOUTH VINA, nói. CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP THỦY SẢN MIỀN NAM (SOUTH VINA) Lô 2.14, KCN Trà Nóc II, Cần Thơ, Việt Nam. Email: southvina01@vnn.vn; http://www.southvina.com. |
HẢI ĐĂNG